Ngày 6/12, đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ về việc mở cửa dần cho khách quốc tế từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt; bởi nếu chậm triển khai, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.
"Các doanh nghiệp hàng không, du lịch đang suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các doanh nghiệp trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch sẽ vô cùng khó khăn", đại diện Vietnam Airlines nói.
Lãnh đạo Vietjet Air cũng cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt là với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine.
Theo đại diện các hãng hàng không, 10 tháng đầu năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22% so với trước đại dịch (năm 2019).
Riêng giai đoạn đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (tháng 5 đến giữa tháng 11), tổng khách vận chuyển là 2,1 triệu lượt, chỉ bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế bằng 1% và khách nội địa bằng 10% so với năm 2019.
Trong khi đó, nhiều nước đã "phủ" vaccine và đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau đại dịch. Chính sách của các quốc gia này là không hạn chế hành khách và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).
Về phía cơ quan quản lý, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, trước sự xuất hiện biến chủng Omicron, Cục đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam; còn các chuyến bay đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ khác triển khai bình thường.
"Không chỉ Việt Nam mà nhìn chung các nước đều tiếp cận theo cách này", ông Cường nói, cho hay ngành hàng không đang tích cực chuẩn bị triển khai mở đường bay quốc tế ngay sau khi đàm phán xong với các quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối đường bay.
Trong văn bản mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho hay đã làm việc với các hãng hàng không và đơn vị liên quan về giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế. Theo đó, tất cả các hãng hàng không cũng như doanh nghiệp khai thác cảng đều chung kiến nghị nối lại chuyến bay quốc tế; nới lỏng quy định cách ly đối với khách nhập cảnh, tiến tới xem xét dỡ bỏ quy định này.
Các bộ ngành liên quan đang thúc đẩy phần việc của mình. Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn nới lỏng quy định cách ly đối với người nhập cảnh và sẽ sớm ban hành. Bộ Ngoại giao tích cực đàm phán với các đối tác công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vaccine". Bộ Công an phát triển ứng dụng IGOVN, trong đó tích hợp quản lý xét duyệt nhân sự nhập cảnh, khai báo y tế, xác nhận tiêm vaccine...
Đầu tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ 3 giai đoạn mở đường bay quốc tế. Giai đoạn 1 dự kiến từ quý 1/2022 sẽ nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam. Khách nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid phải cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí; khách chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày.
Giai đoạn 2 dự kiến từ quý 2/2022, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang "hộ chiếu vaccine". Giai đoạn 3 từ quý 3/2022 sẽ khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ với tần suất theo nhu cầu của hãng hàng không.
Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng. Hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay vào Việt Nam đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và cách ly y tế 14 ngày hoặc 7 ngày.