Ngày 25/11, trong cuộc gặp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có chặng sang Nhật Bản.
Nếu kế hoạch này được thực thi thì lộ trình mở đường bay quốc tế thường lệ diễn ra sớm hơn một tháng so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ 3 giai đoạn mở đường bay quốc tế thường lệ. Giai đoạn một từ tháng 1/2022 sẽ nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam.
Khách nhập cảnh được yêu cầu tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid, phải cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí; khách chưa tiêm vaccine cách ly 14 ngày.
Dự kiến lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người mỗi tuần. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng không VN cấp phép bay.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư Ký hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ủng hộ kế hoạch mở đường bay quốc tế nêu trên, song chưa đồng tình với quy định cách ly hành khách khi nhập cảnh.
Ông Nề cho rằng Việt Nam nên xem xét bỏ quy định cách ly y tế đối với hành khách đã tiêm hai mũi vaccine trong giai đoạn đầu mở đường bay quốc tế thường lệ. "Việc cách ly tập trung một tuần sẽ khiến khách không bay, vì tâm lý khách du lịch, đi làm ăn không ai muốn đến Việt Nam để phải ở một tuần trong khách sạn", ông Nề nói.
Theo ông, Việt Nam đã cam kết áp dụng "hộ chiếu vaccine" đối với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt, không cách ly hành khách đến từ các nước này, "khi mở lại đường bay quốc tế nên đối xử với khách đến từ các địa bàn trọng điểm như với khách có hộ chiếu vaccine".
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ là vấn đề cấp thiết. Các nước xung quanh Việt Nam đều đã mở cửa và có quy định về y tế đơn giản hơn.
Đơn cử, Việt Nam đang quy định phải cách ly 7 ngày, nhưng Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và xét nghiệm sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vaccine. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau xét nghiệm PCR âm tính là không cần cách ly .
Theo ông Nga, hành khách đã tiêm đủ liều vaccine và xét nghiệm âm tính thì không cần cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, Việt Nam cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về hành lang pháp lý, hướng dẫn chuẩn bị về cơ sở vật chất, năng lực điều trị.
"Trước đây, khi có đoàn khách nước ngoài vào, chúng ta cần quan tâm họ có làm lây dịch hay không, nhưng giờ đây vấn đề cần đặt ra là điều trị cho họ như thế nào nếu họ bị nhiễm Covid-19", ông Nga nói, cho rằng cần quy định rõ nếu người nước ngoài bị nhiễm dịch thì khi điều trị phải thanh toán chi phí như thế nào? Thái Lan quy định, người vào Thái Lan phải có bảo hiểm 50.000 USD, Singapore là 100.000 USD.
Ông Philip Goh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng cho rằng yêu cầu cách ly khách quốc tế sẽ trì hoãn quá trình phục hồi sau giãn cách, là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế.
IATA đã kêu gọi các chính phủ tuân theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới khi lên kế hoạch mở cửa biên giới, như: Tiêm chủng vaccine nhanh nhất có thể; hành khách đã tiêm vaccine không nên bị cản trở; xét nghiệm kháng nguyên là giải pháp tiết kiệm và thuận lợi...
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay từ tháng 9/2020, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu điều kiện mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.
Trước đây, các nước đều đóng cửa đường bay quốc tế song nay đã dần mở lại. Đơn cử, Mỹ ngày 8/1 chính thức mở lại, cho phép công dân mình ra nước ngoài và đưa công dân các nước đến Mỹ. Thái Lan, Australia cũng đã mở cửa biên giới. Thái Lan ngày 1/11 có quyết định bổ sung cho công dân nhiều quốc gia đến không phải cách ly, trong đó có công dân Việt Nam. Singapore cũng bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á khi đến không phải cách ly, bao gồm Việt Nam.
"Đây là điều đáng mừng. Các nước đã tích lũy kinh nghiệm phòng chống dịch, tiêm vaccine diện rộng để tạo ra sức chống chọi Covid-19. Việt Nam đang đi theo hướng như vậy", ông Cường nói.
Trong tháng 11 đã có nhiều chuyến bay chở khách du lịch theo tour khép kín đến Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam. Giai đoạn tiếp theo là mở đường bay thường lệ từng bước, trong đó đến những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Lan, Nga... Giai đoạn này là thời điểm đánh giá quan trọng trước khi sang bước tiếp theo, mở rộng các điều kiện với khách nhập cảnh Việt Nam. Sau đó sẽ là giai đoạn trở lại bình thường như trước dịch.
"Hiện ngành y tế đã cho phép rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày. Tương lai, từ kinh nghiệm thực tiễn có thể không cách ly với người tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh", ông Cường nói và thông tin Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi sát sao kinh nghiệm Thái Lan để trình cấp có thẩm quyền vận dụng vào kế hoạch của Việt Nam.
"Chúng ta tin tưởng sẽ theo phương châm của Chính phủ là linh hoạt thích ứng, chứ không cứng nhắc", ông Cường nói thêm.
Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng. Hành khách nhập cảnh đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và cách ly y tế 14 ngày hoặc 7 ngày.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, gần 2 năm qua đã có hơn 274.000 người nhập cảnh qua đường hàng không. Các hãng hàng không đã tổ chức hơn 400 chuyến bay "giải cứu" vận chuyển trên 110.000 công dân về nước cách ly tại các cơ sở quân đội, và gần 150 chuyến bay với hơn 30.000 người theo hình thức tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly tại khách sạn, xe đón, xét nghiệm.
Hiện có 19 hãng hàng không nước ngoài và Vietnam Airlines đang khai thác các đường bay giữa Việt Nam và 13 quốc gia, vùng lãnh thổ với trung bình hơn 130 chuyến bay hàng tuần mỗi chiều. 9 tháng đầu năm 2021, khoảng 7.500 chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam với 350.000 hành khách; trong đó, chiều đến Việt Nam là 3.700 chuyến bay, vận chuyển 153.000 khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 6,4%.