Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại cuộc họp trực tuyến về cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội kể từ 0h ngày 19/7.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay cùng lúc phải tiến hành nhiều trạng thái, có thể chuẩn bị cho chuyển trạng thái từ thị trường tự điều tiết có vai trò của Nhà nước, sang Nhà nước tham gia vào vai trò điều phối thị trường nếu kịch bản cung ứng hàng hóa khó khăn hơn.
Bộ này sẽ cùng Bộ Công Thương xem xét tình hình cụ thể, có thể đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ một số khâu như thu hoạch, phân phối... cho bà con ở vùng nông thôn các tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh đặc biệt chưa có tiền lệ lần này, ông Hoan cho rằng các địa phương cần nắm tình hình chặt chẽ, đi xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để xử lý và kết nối thông tin cung cầu hàng hoá. Riêng TP HCM, ông lưu ý cần làm rõ khâu phân phối sẽ tiến hành cụ thể như thế nào, nếu không sẽ khó có thể cung ứng đủ hàng cho từng bộ phận người dân, dù có tạo luồng xanh vận chuyển hay không. Ba khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện mới giải quyết được các vướng mắc.
"Trong bối cảnh này phải phối hợp đồng thời giữa việc điều tiết của thị trường và nhà nước. Khi tình thế khó khăn hơn, Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng", ông Hoan nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, tình hình cung ứng hàng hoá sẽ chuyển biến nhanh, phức tạp hơn trong vài ngày tới, thậm chí sẽ xảy ra tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng khi mỗi địa phương dựng lên một hàng rào, cản trở lưu thông hàng hoá.
Ông nhấn mạnh trong mọi tình huống, ngành Công Thương và Nông nghiệp sẽ "chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ không để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu".
Bộ trưởng Diên yêu cầu các đơn vị khẩn trương đánh giá dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn để đưa ra kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ.
"Địa phương phải thống kê được mình đang có gì, thiếu gì, và cần mua bán những gì. Từ đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai bộ mới có thể điều tiết được", ông nói.
Ngoài ra, các địa phương cũng phải xây dựng kịch bản trong tình huống cao hơn. Trước hết có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi, nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò nhà nước rất quan trọng.
Đẩy nhanh việc mở lại các chợ truyền thống
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hoá của TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đang gặp khó trong nguồn cung.
Các doanh nghiệp cho biết đang khó khăn trong thu mua khi giá hàng tại đầu nguồn cung tăng cao. Chẳng hạn, giá bầu tại Tiền Giang hiện đã dao động 35.000-37.000 đồng một kg. Trong khi đó danh sách cung ứng hàng hoá mà Bộ cung cấp không sát thực tế, có đơn vị năng lực cung ứng theo báo cáo là chục nghìn tấn, nhưng khi liên hệ số lượng rất ít.
Ở khía cạnh này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, cho rằng 70% lượng hàng trung chuyển cho TP HCM tập trung ở 3 chợ đầu mối. Việc cả 3 chợ này cùng hơn 100 chợ truyền thống đóng cửa phòng dịch đã ảnh hưởng ít nhiều tới cung ứng hàng cho TP HCM, phân phối hàng đi các tỉnh. Ông Hải nói, nếu TP HCM không sớm mở lại các chợ truyền thống đã đảm bảo an toàn phòng dịch thì "không thể đáp ứng được nguồn hàng".
"Chúng tôi đã có văn bản đề nghị không đóng cửa tất cả chợ truyền thống, chợ đầu mối, tăng cường đảm bảo điều kiện chống dịch, ưu tiên tiêm vaccine cho tiểu thương và những người bán hàng. Hệ thống siêu thị ở các thành phố tăng giờ bán, tăng điểm bán hàng lưu động, giảm tải cho các chợ; sử dụng các hệ thống chuyển phát làm điểm bán", Trưởng ban chỉ đạo cung ứng hàng cho TP HCM nói.
Trước thực tế này, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, Sở và UBND thành phố đang xem xét để có thể mở lại một số chợ truyền thống, mở trạm trung chuyển hàng tại chợ đầu mối đã đảm bảo an toàn phòng dịch.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM Trương Văn Ba nhấn mạnh, khi mở lại các chợ truyền thống cần kèm theo điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đơn cử như áp dụng biện pháp giãn cách, cấp mã QR hoặc phát thẻ cho người dân vào chợ, đảm bảo an toàn giao dịch ở chợ.
Cùng đó, quản lý các chợ cũng phải kết nối được các nhà cung cấp để cung ứng đủ hàng hóa, mới ngăn chặn được tình trạng tăng giá. Do đó, ông đề nghị Bộ Tài chính điều tra các vụ nâng giá không hợp lý, kiến nghị Sở Công Thương thành phố cần có đủ nguồn hàng, tạo mọi điều kiện ưu tiên trong vận chuyển.
Để "chặn" hiện tượng lợi dụng dịch bệnh găm hàng, đẩy giá, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng quản lý thị trường chủ động, bám sát tình hình, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, hàng gian hàng giả, kém chất lượng. Trong hôm nay, quản lý thị trường sẽ cử thêm lực lượng vào miền Nam, tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm này.
Hôm qua (17/7), Bộ Công Thương đã lập Tổ công tác tiền phương với 27 thành viên, do lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường làm tổ trưởng, đại diện các vụ, cục, vào TP HCM và các tỉnh phía Nam, nắm bắt tình hình, điều tiết, kết nối cung cầu hàng hoá cho các vùng phong toả vì dịch.
Đến trưa 18/7, TP HCM vẫn là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước với 29.081 ca.
Anh Minh