Để tránh đòn tập kích từ lực lượng Nga và đẩy nhanh tốc độ sản xuất, Ukroboronprom cùng các công ty quốc phòng địa phương đã sơ tán nhà máy tới nhiều địa điểm trên khắp đất nước và thiết lập cả cơ sở ở những quốc gia láng giềng.
Giới quan sát đánh giá khả năng tiếp tục tự chế tạo đạn pháo, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cũng như nỗ lực thu mua linh kiện từ nước ngoài của những tập đoàn như Ukroboronprom bất chấp các cuộc oanh tạc liên tục đã đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine đứng vững trên chiến trường.
Đạn do các nhà máy này sản xuất đã giúp duy trì hỏa lực cho những khẩu pháo thời Liên Xô của Ukraine, vốn chiếm tới hơn 70% biên chế lực lượng pháo binh.
Các nhà máy Ukraine còn có khả năng sửa chữa những vũ khí theo thông số kỹ thuật của Liên Xô, đồng thời một loạt công ty mới cũng đã bắt đầu tham gia sản xuất UAV cùng các thiết bị khác.
Tuy nhiên, năng lực chiến đấu của Ukraine hiện tại và trong tương lai vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vũ khí phương Tây cung cấp. Các công ty địa phương không thể sản xuất những loại khí tài tinh vi hơn như bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ hay tên lửa chống tăng NLAW do Anh - Thụy Điển cung cấp, vốn đã tạo ra tác động lớn tới chiến trường.
Dù vậy, những thiết bị sản xuất trong nước vẫn mang lại cho Ukraine một số thành công đáng chú ý. Tháng 4 năm ngoái, quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa diệt hạm Neptune do Ukroboronprom sản xuất để đánh chìm tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. Lựu pháo tự hành Bohdana do Ukraine sản xuất cũng được sử dụng để bắn phá lực lượng Nga trên Đảo Rắn ở Biển Đen, tăng sức ép buộc họ rút lui.
"Dù tên lửa Nga không ngừng trút xuống các nhà máy, chúng tôi vẫn có thể sản xuất nhiều vũ khí hơn trước", giám đốc điều hành UkroboronpromYuriy Husyev nói.
Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine vào tháng hai năm ngoái, Husyev cho biết ông đã ngay lập tức quyết định chuyển hoạt động sản xuất của Ukroboronprom sang chế độ toàn thời gian, 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Vì các nhà máy của Ukroboronprom là mục tiêu ưu tiên tập kích của tên lửa Nga, họ đã chuyển cơ sở sản xuất sang những địa điểm an toàn hơn và bắt đầu liên hệ với hàng loạt công ty nước ngoài nhờ giúp đỡ.
Cơ quan tình báo nội địa Ukraine SBU năm ngoái bắt một nhân viên Ukroboronprom với cáo buộc cung cấp cho lực lượng Nga vị trí của một nhà máy sản xuất xe bọc thép. Một số nhân viên khác thuộc Ukroboronprom cũng đã bị bắt vì cáo buộc hợp tác với Nga.
Sơ tán cơ sở sản xuất vũ khí trong xung đột không phải điều mới lạ. Trong Thế chiến II, cả Anh và Đức đều phân tán hoạt động sản xuất quốc phòng trên toàn quốc nhằm tránh máy bay ném bom. Anh thậm chí còn chế tạo vũ khí ngay trong hầm mỏ và ga tàu điện ngầm London.
Nhưng việc di chuyển các nhà máy chuyên chế tạo vũ khí hạng nặng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Dây chuyền sản xuất phân tán làm tăng thêm chi phí và thời gian lắp ráp.
Hồi đầu tháng 4, Ukroboronprom cho hay họ đã được chấp thuận xuất đạn xe tăng ở Ba Lan. Công ty Ukraine sẽ cung cấp công nghệ và nhân sự cho dự án hợp tác với Polska Grupa Zbrojeniowa, công ty quốc phòng có trụ sở ở miền đông Ba Lan. Ukroboronprom còn sản xuất đạn pháo và súng cối ở một quốc gia láng giềng khác mà Husyev từ chối nêu tên.
Những loại đạn này đều thuộc chuẩn Liên Xô, khác với loại quân đội phương Tây sử dụng. Chiến sự khốc liệt kéo dài hơn một năm đã khiến Ukraine nhanh chóng cạn kiệt kho dự trữ đạn pháo chuẩn Liên Xô của mình, khiến Mỹ và các đồng minh phải thay mặt họ tìm kiếm nguồn cung cấp ở những nơi khác.
Husyev ước tính dù Mỹ và các đồng minh liên tục gửi vũ khí chuẩn NATO tới Ukraine, 70% vũ khí và phương tiện hạng nặng của Kiev vẫn có nguồn gốc từ Liên Xô.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tổ chức tư vấn trụ sở tại London, cho biết gần như toàn bộ trong 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực mà Ukraine sử dụng từ khi giao tranh mới bùng phát đều là vũ khí theo chuẩn Liên Xô.
Mặc dù Ukroboronprom đã nỗ lực bảo tồn dây chuyền sản xuất và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu vũ khí và đạn dược cho Ukraine, chúng vẫn là chưa đủ. "Chúng tôi cần năng lực sản xuất lớn hơn gấp 10 lần", Husyev nhấn mạnh.
Ukroboronprom cũng đang hợp tác với một thành viên NATO để sản xuất đạn pháo chuẩn NATO cỡ nòng 155 mm. Số đạn này sẽ được sử dụng cho những khẩu pháo do phương Tây viện trợ, như lựu pháo M-777 do Anh sản xuất và Panzerhaubitze của Đức.
Ukraine từng là một phần quan trọng trong tổ hợp công nghiệp - quân sự của Liên Xô, sản xuất tàu, động cơ máy bay trực thăng và tên lửa đạn đạo. Nhưng trong nhiều năm, ngành công nghiệp này ít được đầu tư, theo Tom Roseth, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Na Uy.
Ông cho biết Ukraine không thể sản xuất những loại khí tài tinh vi chuẩn NATO mà Mỹ và đồng minh gửi tới, như hệ thống pháo phản lực tầm trung HIMARS, vũ khí chống tăng hay xe tăng. Mặt khác, một số sản phẩm do Ukraine sản xuất như UAV vẫn phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài, vốn đang trở nên khó mua hơn trong bối cảnh nhu cầu gia tăng.
Dù vậy, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine đã được vực dậy phần nào, một phần sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ và giao tranh giữa phe ly khai ở miền đông đất nước với quân đội chính phủ bùng lên từ năm 2014.
Vadym Yunyk, một kỹ sư không có kinh nghiệm quân sự, đã quyết định chế tạo UAV sau khi chứng kiến phong trào biểu tình Maidan năm 2014 khiến tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.
Công ty của ông, ISR Defense, hiện sản xuất UAV được sử dụng để thả chất nổ xuống mục tiêu địch, như xe tăng. Bất chấp khó khăn trong tìm nguồn linh kiện, Yunyk cho biết ISR đang xuất xưởng 70 UAV mỗi tháng, tăng mạnh so với 4 chiếc trước đây.
Yunyk cho hay ISR thường xuyên nhận được phản hồi từ các binh sĩ về cách UAV hoạt động trên thực địa, qua đó giúp họ cải tiến và thay đổi sản phẩm. Ví dụ, họ đã nhanh chóng ngừng điều hướng UAV bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS sau khi các binh sĩ nói rằng hệ thống của Mỹ đang bị Nga gây nhiễu.
UkrSpecSystems, nhà sản xuất UAV địa phương khác được thành lập sau năm 2014, đã thiết kế một mẫu UAV giám sát mới có tên Shark theo yêu cầu từ binh sĩ Ukraine. Nhà máy của công ty từng bị đánh bom và giờ đây, họ sản xuất ở nhiều cơ sở trên khắp đất nước và tại Ba Lan.
Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, đạn pháo đã rơi xuống bên cạnh nhà máy của AeroDrone ở Kiev, khiến Dmytro Shymkiv, một trong những lãnh đạo cấp cao tại công ty này, phải ra quyết định sơ tán lập tức các sản phẩm đang sản xuất dang dở.
Chỉ sau vài tuần, AeroDrone đã chuyển địa điểm sản xuất và điều chỉnh chức năng của UAV từ sử dụng trong nông nghiệp sang mục đích quân sự.
"Chúng tôi đã chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang chuyển mình", Shymkiv nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)