Theo tờ trình gửi Chính phủ về đề án chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài 2021-2030 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp không nhỏ với kinh tế Việt Nam 30 năm qua. Tỷ trọng nguồn vốn này tăng từ 15% năm 2005 lên 23,4% giai đoạn 2016-2019.
Với sự tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng khu vực FDI tăng gần 10 lần trong 30 năm, từ 2,1% năm 1989 lên 20% vào 2019. Dòng vốn FDI cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến dầu khí...
Riêng về cơ cấu thu nộp ngân sách, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 26% tổng thu ngân sách. Riêng giai đoạn 2011-2019 khu vực FDI chiếm bình quân 28% tổng thu ngân sách Nhà nước. Song tại nhiều địa phương, doanh nghiệp vốn FDI chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách. Chẳng hạn, với Vĩnh Phúc là 93,5%; Bắc Ninh là 72%, Đồng Nai 63%, Bắc Giang 60% và Bình Dương 52%... Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tạo khoảng 10 triệu lao động năm 2019.
Nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định, khu vực vốn nước ngoài chưa tạo hiệu ứng lan toả, mức độ liên kết với khu vực trong nước hạn chế. Chuỗi cung ứng trong nước chưa phát triển. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp.
Tỷ lệ nội địa hoá một số ngành công nghiệp dưới trung bình. Chẳng hạn, kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hoá các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam năm 2017 là 33,2%, năm 2018 và 2019 là 36,3%.
Tỷ trọng dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao ít, nhiều doanh nghiệp có công nghệ thấp, trung bình. Chỉ 5% doanh nghiệp có công nghệ cao, số có công nghệ trung bình là 80% và 14% sử dụng công nghệ thấp.
Cơ quan ngành kế hoạch cũng đề cập việc một số địa phương nảy sinh hiện tượng đầu tư chui, núp bóng đầu tư nước ngoài với 5 hình thức.
Một là thông qua cá nhân Việt Nam lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, phía nước ngoài góp 49% điều lệ. Hai là thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư các lô đất, vị trí liên quan tới quốc phòng an ninh có thời hạn sử dụng lâu dài, sau đó mua lại cổ phần vốn góp của phía Việt Nam.
Hình thức thứ ba là cho cá nhân Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay. Hoặc cách khác là kết hôn với người Việt Nam, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng người Việt Nam, nhưng thực chất hoạt động do người nước ngoài đảm trách. Cách cuối cùng là người nước ngoài tới Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch, đứng sau lưng người Việt để thuê mặt bằng nhà xưởng, thu mua nông sản.
Trước xu hướng mới, sự chuyển dịch đầu tư, chuỗi sản xuất toàn cầu do tác động của Covid-19, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tới đây sẽ theo "chiến lược động", tức là phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh chứ không chỉ dựa vào những lợi thế tĩnh về tài nguyên, nhân công giá rẻ... như giai đoạn trước.
Anh Minh