Dịch bệnh đã đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển sản xuất, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tại Hội nghị trực tuyến thu hút đầu tư nước ngoài ngày 8/9, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có thế mạnh nhờ quy mô thị trường và chi phí lao động thấp.
"Với một số công ty đa quốc gia, họ đang muốn tìm địa bàn mới trong chu kỳ sản xuất và tôi tin Việt Nam cuốn hút nhà đầu tư". Trong khi Malaysia và Indonesia đã nỗ lực thu hút nhà đầu tư, Việt Nam không chỉ ngồi đợi mà cũng đang cố gắng phát triển cơ sở hạ tầng, ra sức chuẩn bị đón nhà đầu tư.
Hiểu rõ ba nút thắt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là con người, cơ sở hạ tầng và thể chế, ông Nguyễn Chí Dũng nói Việt Nam sẽ có những nỗ lực cụ thể và rõ ràng hơn nữa trong 10 năm tới. Việt Nam sẽ thực hiện các chính sách chủ động thu hút FDI. Tuy nhiên việc hợp tác đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án có chất lượng, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị, các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực.
Chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, tỷ giá, phát triển lành mạnh một khu vực ngân hàng có khả năng chống chịu cao. Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.
Tại hội nghị, ông CK Tong, CEO của BW Industrial Development - nền tảng bất động sản công nghiệp và dịch vụ hậu cần cho thuê tại Việt Nam cũng đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất với hai lý do đơn giản nhưng quan trọng: Gần Trung Quốc và có tính tương đồng về văn hóa.
"Tôi nghĩ rất đáng mừng khi SamSung sản xuất phần lớn linh kiện trong những sản phẩm mới nhất ở Việt Nam. Điều này cho thấy đội ngũ lao động ở Việt Nam có thể đạt được bậc thang cao nhất trong chuỗi cung ứng", ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần chú trọng vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn cầu để cải thiện hơn chất lượng lao động trong tương lai. Ông Bech Soren, Tổng giám đốc RB Heakth Nam – đứng sau các dự án sức khoẻ cộng đồng cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào giáo dục mang tính toàn cầu, kết nối với Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Như với thương mại quốc tế, Việt Nam cần làm điều tương tự với giáo dục, ông nói.
Đánh giá Việt Nam có cơ hội tốt về lao động và tinh thần làm việc, CEO của BW Industrial Development nhận định: "Có thể thấy rõ, Việt Nam là đối thủ đáng gờm trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm tới". Tuy nhiên, vẫn có những rào cản về thể chế, con người và cơ sở hạ tầng cần được cải thiện.
Ông Tong nói rằng bản thân đã từng chứng kiến những mô hình kinh tế tương tự nhưng tốc độ phát triển không nhanh bằng Việt Nam. Vấn đề chỉ là thời gian, khi Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng cùng với đón nhận làn sóng FDI, Việt Nam sẽ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, vượt qua Thái lan, Phillippines, Indonesia trong nhiều năm tới, ông nhận định.
FDI toàn cầu năm nay có khả năng giảm đến 40% kết quả thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới tăng 6,6% và vốn đăng ký tăng thêm cao hơn 22,2% cùng kỳ.
Quỳnh Trang