Có nhiều bài viết nói về việc rút Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một lần và đề xuất ngăn hay hạn chế.
Tôi thấy làm như vậy không hề có tính thuyết phục mà lại gây bức xúc, và lại làm tăng số người rút BHXH một lần vì lo lắng sau này sẽ không được rút.
Khoản đóng BHXH chính là tiền do chính người lao động làm ra. Những người quản lý có tầm sẽ tìm hiểu nguyên nhân, thực sự lắng nghe mọi ý của các tầng lớp người dân (trí thức, lao động tay chân...) tổng hợp lại và đưa ra quyết sách.
Nếu cứ so sánh với các nước văn minh, giàu có là họ không cho cho rút BHXH một lần, còn ở ta quá dễ dàng thì xin thưa rằng, chính sách an sinh xã hội của họ rất tốt. Đơn cử người thân tôi định cư hơn 30 năm tại châu Âu, Mỹ, Australia, các khoản BHXH hay bảo trợ xã hội như sau:
- Khi thất nghiệp, BHXH sẽ chi trả tiền thất nghiệp từ 1-2 năm.
- Sau 1-2 năm đó nếu vẫn thất nghiệp, cơ quan bảo trợ xã hội của chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho người thất nghiệp để đảm bảo nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt.
Đương nhiên người lao động chứng minh việc thất nghiệp của mình qua các thư từ chối tuyển dụng của doanh nghiệp. Và cũng đương nhiên tiền họ bảo trợ hàng tháng không thể ngang bằng lương tháng làm việc trước đây.
- Khám chữa bệnh cũng được cơ quan bảo trợ xã hội chi trả.
- Trong năm, cơ quan bảo trợ xã hội sẽ tạo cho người thất nghiệp cơ hội du lịch nội địa hoàn toàn miễn phí.
- Có nhà hàng miễn phí phục vụ cho người thất nghiệp, vô gia cư. Nhân viên phục vụ tại các nhà hàng này rất chu đáo và lịch sự như bao nhà hàng tính phí khác.
- Học sinh từ lớp 1-12 được học hoàn toàn miễn phí (chính sách chung, chứ không riêng gì với gia đình người thất nghiệp). Còn học đại học, nghề... sinh viên được chính phủ cho vay ưu đãi...
So sánh sẽ là khập khiễng.
Giá cả hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng ở Việt Nam không hề rẻ. Chi phí vận chuyển cũng đắt đỏ. Ví dụ 1 lít sữa bò tại Mỹ, Australia khoảng 0,9-1,2 USD, ở Việt Nam có giá 33-35 nghìn đồng (khoảng 1,5 USD).
Nếu kết quả giá cả hàng hóa, thực phẩm ta đắt hơn thì tìm ra nguyên nhân xem tại sao tiền lương ở ta thấp mà hàng hóa bán ra lại rất cao so với giá bán tại các nước trên? Ví dụ xe hơi của ta giá bán gấp 2-3 lần tại Mỹ, giá thịt heo ở Mỹ rẻ hơn gấp 5 lần so với ta, giá sữa bán lẻ ở ta thuộc hàng cao nhất thế giới...
Tiền BHXH của đa số người lao động thấp, thất nghiệp thì tăng, họ sống như thế nào? Tới tuổi hưu thì số tiền hưu hàng tháng, họ đủ chi trả cho mức sống tối thiểu hay không?
Việc này cần các cơ quan, trí thức vào cuộc thảo luận để tạo ra việc làm nhiều hơn, thu nhập tốt hơn thì hiện tượng rút BHXH một lần sẽ chấm dứt.
Còn quyết định cấm hay hạn chế rút BHXH một lần, thì quá dễ, ai cũng có thể ra quyết định.
Đình
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.