Khi hạn chế rút BHXH một lần cần có chính sách giảm sốc đi kèm như hạ tỷ lệ hưởng theo lộ trình, tăng quyền lợi cho người ở lại, theo đại diện công đoàn phía Nam. Ý kiến này được các đại biểu đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 13/7.
Nhiều độc giả quan tâm, thảo luận về vấn đề này.
Độc giả nickname thegioikhongdoithay1988 kể về một trường hợp rút BHXH một lần để có vốn làm ăn:
"Một chị ở trọ nhà tôi đã rút bảo hiểm một lần lấy một cục tiền, được hơn 200 triệu đồng. Chị lấy vốn này trồng một hecta mít và sầu riêng ở quê.
Tôi hỏi chị sao lại rút nhanh thế? Chị bảo chờ đến hơn 60 tuổi lĩnh lương hưu thì quá khó vì giờ mới hơn 40 tuổi, lương làm thì chỉ đủ ăn không có dư mấy, rút về lấy vốn quay vòng làm ăn, chứ nếu khóa sổ không cho rút thì người lao động cũng ở thế rất khó. Chị lại sợ vài năm nữa luật BHXH lại tăng tuổi hưu thêm thì cũng mệt.
Chúng ta nên có lộ trình, ví dụ: từ 1/1/2030 là sẽ không cho rút BHXH một lần, từ nay đến lúc đó nên tuyên truyền vận động, thêm chính sách an sinh xã hội như cho vay lãi suất ưu đãi với người có sổ BHXH, cho người có sổ BHXH được vay tín chấp trên chính sổ BHXH, tăng mức giảm trừ gia cảnh khí đóng thuế thu nhập... Tôi thấy vẫn rất khó khả thi nếu hạn chế rút BHXH một lần".
Ở mặt khác, độc giả Hung Nguyen kể trường hợp không quản trị được số tiền có được từ rút BHXH một lần:
"Bố tôi cũng rút một lần, được mấy triệu tôi cũng chẳng nhớ. Nhưng tôi nhớ rõ ràng là tôi chả được cái gì từ khoản tiền đó. Nhìn thì tưởng to, về tiêu vèo vèo hết sạch. Và đến giờ bố tôi đến tuổi hưu rồi vẫn còn tiếc "biết thế không rút giờ mỗi tháng vẫn có tiền tiêu".
Giờ nhìn lại toàn mong giá lúc đó làm thế nọ làm thế kia thì giờ thế nọ giờ thế kia. Mà ai biết trước tương lai? Tôi chưa thấy ai rút một lần mà giữ nổi tiền, lúc chưa rút thì tính toán như thần như thánh, rút ra xong mới biết khoản đó chả làm được gì. Kinh doanh thì ngơ ngơ không biết gì, mua vàng, gửi ngân hàng rồi cũng có lúc rút ra tiêu hết.
Điều kiện rút bảo hiểm khó thế còn cố tình nghỉ việc cả năm để rút, giờ tiền về tay chẳng lẽ không tiêu. Tôi ra đời bước lên từ con số âm, bao năm vật vã mới tạm ổn định. Kinh doanh lúc có tiền thì cho, lúc âm tiền không có mà cho bố tôi được".
Độc giả nguyenquocan.nguyen cho rằng tiền BHXH là khoản dự phòng cho tuổi già: "Biết rằng tiền mình đóng thì nên cho mình quyền tự quyết, nhưng các bạn nên nghĩ xa hơn, tuổi trẻ là thời gian kiếm được tiền nhiều nhất nên coi tiền đóng bảo hiểm đó là khoản tiết kiệm cho tuổi già.
Đến tuổi nghỉ hưu hầu như không còn làm ra tiền, lúc này lương hưu là khoản thu nhập cực kỳ quan trọng để duy trì cuộc sống hàng ngày. Trường hợp về hưu mà gia đình có của ăn của để, có con cháu lo thì không nói gì, ngược lại sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Khi đó cuộc sống cũng không còn vui vẻ gì nữa".
Đứng trên quan điểm quyền lợi người lao động, độc giả Hina nói: "Vẫn nên cho người lao động được rút BHXH một lần, để lao động thất nghiệp có thể trang trải chi phí lúc khó khăn. Hiện tại, nhà tuyển dụng Việt Nam không muốn nhận những lao động quá 40 tuổi, tuy nhiên để chờ nhận lương hưu thì phải mất gần 20 năm nữa mới nhận được lương hưu.
Vậy trong lúc thất nghiệp, khó khăn chồng chất người lao động lấy gì nuôi bản thân và gia đình? Vậy nên tôi đề nghị những người làm luật BHXH xem xét thật kỹ để đảm bảo quyền lợi của người lao động, vì đây là khoản tích góp trong suốt thời gian làm việc, không thể nói mức đóng 14% của doanh nghiệp là cho không được".
Độc giả nói danhv924 nói:
"Vấn đề của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi họ về già, chứ đó không phải là một khoản gửi tiết kiệm. Tùy theo luật pháp quy định, mà người lao động có được quyền rút khoản tiền đó hay không.
Nhiều nước không cho rút hết BHXH vì nếu cho rút hết, và NLĐ không biết quản lý số tiền đó thì họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Lúc đó thì lấy tiền đâu ra để nuôi những người đó, hay để mặc họ đầu đường xó chợ, có nguy cơ trở thành tội phạm vì cuộc sống khốn cùng.
Bạn tưởng tượng 10 triệu lao động rút hết BHXH một lần, chỉ cần có 1/10 trên tổng số đó tiêu hết số tiền rút được thì sẽ có 1 triệu người đối diện nguy cơ không có thu nhập khi về già, rồi họ sẽ làm gì?".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.