Động thái trên đã cho thấy tầm quan trọng của Singapore ngày càng lớn. Quốc đảo này thường được coi là "Thụy Sĩ của châu Á" khi khối tài sản nước ngoài gửi vào đây ngày một tăng.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) hiện có 50 tỷ franc Thụy Sĩ tài sản bằng các đồng yen Nhật, won Hàn Quốc, đôla Singapore và đôla Australia. So với năm 2007, tỷ lệ tiền tệ châu Á trên tổng dự trữ của họ đã tăng gấp đôi. SNB có dự trữ ngoại hối 435 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương hơn 70% GDP cả nước.

Con số này đã tăng vọt kể từ khi họ can thiệp ngăn franc Thụy Sĩ mạnh lên so với euro năm 2011. Năm ngoái, SNB phải bán 188 tỷ franc Thụy Sĩ để giữ tỷ giá, khi giới đầu tư coi đồng tiền này là kênh trú ẩn trước khủng hoảng tại eurozone.
Vì nắm giữ quá nhiều euro, SNB đã phải đa dạng hóa tiền tệ của mình, bao gồm cả tiền từ châu Á. Won Hàn Quốc là tiền tệ mới được bổ sung năm ngoái.
Ông Thomas Jordan - Chủ tịch SNB cho biết: "Tỷ lệ tiền tệ châu Á ngày càng tăng và chúng tôi phải nghĩ cách quản lý chúng thật hiệu quả. Múi giờ của Singapore và Thụy Sĩ lệch nhau 6 tiếng. Nói cách khác, khi văn phòng của chúng tôi tại Zurich bắt đầu giao dịch vào buổi sáng, họ đã lỡ mất cơ hội tốt nhất rồi".
Singapore đang nỗ lực củng cố vị thế trung tâm tài chính của mình. Quốc đảo này hiện đã là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn thứ 4 thế giới, sau London, New York và Tokyo. SNB là ngân hàng trung ương nước ngoài thứ hai, sau Indonesia, có mặt tại Singapore.
SNB cho biết họ đã cân nhắc nhiều địa điểm khác tại châu Á và chọn Singapore, vì nước này thực hiện phần lớn giao dịch trái phiếu trong khu vực. Singapore hiện có 500 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản, với tổng tài sản gần 1.000 tỷ USD, theo Cơ quan tiền tệ Singapore.
Văn phòng mới của SNB cũng là tín hiệu hợp tác giữa hai quốc gia, kể cả khi họ đang cạnh tranh trên lĩnh vực trung tâm tài chính thế giới. Tuần trước, PwC đã dự đoán Singapore sẽ vượt qua Thụy Sĩ về số tài sản quản lý năm 2015.
Thùy Linh (theo FT)