
Theo CNNMoney, Singapore đã ra quyết định phạt 20 ngân hàng trong nước vì thao túng lãi suất và tỷ giá tham chiếu ngoại hối trong 4 năm. Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) không phát hiện bằng chứng phạm tội và thiệt hại trong suốt quá trình điều tra, nhưng vẫn tìm ra các hành vi có dính dáng tới tỷ giá bất hợp pháp từ năm 2007 đến 2011.
Đại diện MAS nói: "Lãnh đạo tại một số trung tâm tài chính quốc tế đang theo dõi việc sắp đặt tham chiếu lãi suất trên thị trường thông qua các ngân hàng". Cuộc điều tra tập trung vào lãi suất Sibor, công cụ tương tự Libor của Anh, vốn là tập hợp lãi suất được dùng làm tham chiếu trị giá hàng nghìn tỷ USD toàn cầu. Sibor do Liên hiệp Ngân hàng Singapore đưa ra với sự hỗ trợ từ các nhà băng địa phương và quốc tế.
Tuy nhiên, các quan chức Singapore bác bỏ ý kiến cho rằng các ngân hàng có thể thao túng Sibor. Theo họ, lãi suất liên ngân hàng Singapore khác với Libor ở chỗ có quy mô ảnh hưởng nhỏ hơn nên các nhà băng sẽ được lợi rất ít nếu tìm cách thay đổi.
Cuộc điều tra được bắt đầu từ tháng 7/2012, sau khi Ngân hàng Barclays (BCS) thừa nhận tìm cách thao túng Libor. Vụ việc lần này có những gương mặt quen thuộc từ scandal tại Anh như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), UBS, Dutch Bank ING, Barclays, Citibank. Theo thông báo của MAS, các ngân hàng vi phạm sẽ phải nộp tiền bảo lãnh trong khi khắc phục sai phạm của mình.
Cụ thể, 19 trên tổng 20 nhà băng vi phạm phải nộp tiền phạt, trong đó nhiều nhất là bộ ba ING, RBS và UBS nộp từ một tỷ đến 1,2 tỷ SGD (958 triệu USD) vào Ngân hàng Trung ương với lãi suất 0% trong một năm. Ngân hàng OCBC của Singapore cũng bị phạt từ 700 triệu - 800 triệu SGD. Tổng số tiền bị giam lên đến 9,6 tỷ USD.
MAS cho biết thêm, 75% trong số 133 giao dịch viên liên quan tại các nhà băng trên sẽ mất việc, số còn lại chịu phạt dưới hình thức thuyên chuyển công tác hoặc cắt thưởng.
Hồi tháng 7/2012, giới ngân hàng quốc tế chao đảo trước thông tin hàng loạt nhà băng lớn tại Anh và quốc tế bắt tay nhau thao túng lãi suất Libor. Những đơn vị này đã hạ thấp Libor để thu lợi từ các giao dịch, cũng như che giấu chi phí vay của mình trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Nạn nhân chính là các ngân hàng đi vay, doanh nghiệp và kể cả cá nhân.
Đến đầu tháng 6 vừa rồi, EU đã đề xuất đưa Libor về dưới sự quản lý của Cơ quan giám sát thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA). Đây là một phần việc cải tổ quy định các tiêu chuẩn định giá tại một loạt thị trường vàng - dầu. Libor được cố định hàng ngày từ 11h - 17h (địa phương) bởi Hiệp hội Ngân hàng Anh, tính cho USD và nhiều đồng tiền khác.
Phương Linh