Theo báo cáo Ngân hàng Cá nhân toàn cầu và Khảo sát Quản lý Tài sản của PwC, Thụy Sĩ vẫn là trung tâm tài chính nước ngoài lớn nhất thế giới với 2.000 tỷ USD tài sản. Theo sau là Singapore, London (Anh), Hong Kong (Trung Quốc) và New York (Mỹ).
Tuy nhiên, những người trả lời khảo sát cũng dự đoán Thụy Sĩ sẽ mất ngôi đầu vào tay Singapore trong hai năm tới. Đây là kết quả có được dựa trên ý kiến của 200 chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tại 51 nước.

Truyền thống giữ bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ đã giúp nước này trở thành trung tâm tài chính số một thế giới. Tuy nhiên, đại diện châu Âu đang chịu sức ép công khai thông tin từ Mỹ và nhiều nước khác, khi ngân sách thiếu hụt khiến các nước phải tăng cường điều tra hoạt động né thuế của các công ty và giới nhà giàu.
Báo cáo nhận định để cạnh tranh, Thụy Sĩ và các trung tâm tài chính khác sẽ phải tự tạo ưu thế cho mình. Khi việc minh bạch và thắt chặt điều luật ngân hàng sẽ khiến sân chơi tài chính trở nên bình đẳng hơn rất nhiều.
PwC cũng cho biết thêm các trung tâm ở những thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Những người tham gia khảo sát nhận định Thượng Hải (Trung Quốc) và Dubai sẽ là những thị trường phát triển nhanh nhất, theo sau là Brazil, Miami (Mỹ) và Mexico City (Mexico). Báo cáo nhận định: "Cạnh tranh giữa các trung tâm tài chính truyền thống và mới nổi được dự đoán sẽ ngày càng khốc liệt".
Hồi tháng 5, Tập đoàn tư vấn Boston cũng ra báo cáo Global Wealth nhận định của cải thế giới đang dần đổ về các nước phương Đông, làm lung lay vị trí số một về trung tâm tài chính quốc tế của Thụy Sĩ. Thị phần nước này có thể giảm từ 26% năm ngoái xuống 25% năm 2017. Còn thị phần Singapore dự kiến tăng từ 10% lên 12%.
Thùy Linh (theo Reuters)