"Hầu như ngân hàng nào cũng tìm cách bán bảo hiểm kèm khoản vay, nhưng luôn khẳng định rằng họ không ép doanh nghiệp, người vay phải mua. Thực tế, nếu khách hàng không đồng ý mua bảo hiểm thì sẽ không được giải ngân khoản vay. Phía ngân hàng luôn vin vào lý do 'nhỡ chủ doanh nghiệp có vấn đề gì thì biết vịn vào đâu?' để ép các doanh nghiệp mua bảo hiểm khi tới vay. Chi phí gói bảo hiểm tùy vào khoản vay lớn hay nhỏ, trung bình từ 20 đến 50 triệu đồng cho khoản vay từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Có khi, chủ doanh nghiệp phải mua cùng lúc bốn, năm gói bảo hiểm khác nhau do phải vay của nhiều ngân hàng cùng lúc".
Đó là chia sẻ của độc giả Namhong xung quanh câu chuyện ngân hàng ép khách mua bảo hiểm. Theo dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước quy định phạt tiền từ 400 triệu đến 500 triệu đồng nếu các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Hiện các quy định của ngành ngân hàng không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều cách để phía nhà băng ràng buộc khách vay. Bạn đọc Nguyễn Cường Quân lấy dẫn chứng: "Tôi vay tín chấp 20 triệu đồng của một ngân hàng khá tên tuổi. Nhưng khi nhận về, khoản vay chỉ được 16 triệu đồng vì phía ngân hàng nói rằng tôi phải mua hai gói bảo hiểm với giá 4 triệu đồng. Sau 12 tháng, trả xong gói vay, đó tôi phải chi trả tổng là 28 triệu đồng tiền bảo hiểm. Đó chẳng phải là số tiền lãi quá lớn cho khoản vay 20 triệu của tôi hay sao?".
>> 'Mua ba gói bảo hiểm sau khi vay ngân hàng hai tỷ đồng'
Nói về hình thức phát hiện và xử phạt ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay, độc giả Lâm đặt dấu hỏi: "Tôi có vài thắc mắc:
1. Phạt 400 triệu đồng cho từng trường hợp hay cho toàn bộ hành vi ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay? Nếu là cho tất cả thì phải chăng quá nhẹ?
2. Cơ quan nào sẽ đứng ra giám sát việc này?
3. Căn cứ vào đâu để khẳng định là ngân hàng ép khách mua bảo hiểm? Liệu khách không mua thì không cho vay có phải là hành vi ép không?".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Kim Nguyên bình luận: "Ngân hàng không ép, nhưng chỉ chờ đến lúc ký xong hồ sơ, chuẩn bị giải ngân thì lại bảo với khách: 'Có vấn đề phát sinh, phải mua gói bảo hiểm 20 triệu đồng để được giải ngân khoản vay'. Tôi từng rơi vào trường hợp như vậy. Sau đó, ngân hàng đưa cho tôi hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu ký ngay trong vòng năm phút, nếu không là hết giờ giải ngân. Tôi vay tiền mua nhà, hẹn ngày giao tiền cho chủ nhà, hồ sơ, giấy tờ xong cả rồi, nên đành phải ký hợp đồng bảo hiểm và chuyển khoản thanh toán ngay lập tức mới được hoàn tất hồ sơ vay".
Làm gì để ngăn chặn ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay? Độc giả Binh Bui đề xuất: "Theo tôi, nên cấm bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Đương nhiên không ngân hàng nào cũng công khai bắt người vay mua bảo hiểm vì làm vậy họ sẽ vi phạm pháp luật. Nhưng các nhà băng có vô số cách để lách luật, ví dụ như nếu không mua bảo hiểm thì khoản vay sẽ không được giải ngân sớm. Cuối cùng, ngân hàng vin vào việc 'tùy khách hàng lựa chọn' để đẩy người vay vào thế không mua bảo hiểm không được".
- Đủ kiểu lách luật khiến khách vay ngân hàng phải mua kèm bảo hiểm
- Kiếp nạn 'U70 bị nhân viên ngân hàng lừa mua bảo hiểm'
- Tiền gửi tiết kiệm dưỡng già bị 'đánh tráo' thành gói bảo hiểm
- 'Khó cấm ngân hàng bán chéo bảo hiểm'
- 'Khó xử phạt nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm'
- 'Mua ba gói bảo hiểm sau khi vay ngân hàng hai tỷ đồng'