"Những người cho rằng có người lớn ngồi cùng thì không cần 'baby seat' là chủ quan. Kể cả người lớn thắt dây an toàn và trẻ ngồi trong lòng thì khi gặp tai nạn việc trẻ bị hất ra là rất rõ ràng. Thêm một điểm nữa, với tình trạng ở Việt Nam, trẻ còn hay được cho ngồi ở ghế phụ. Kể cả trẻ có thắt đai, có người lớn ngồi cùng thì mọi người nên nhớ tốc độ bung của túi khí luôn rất nhanh (phải vậy mới an toàn) nhưng với trẻ quá nhỏ thì nó hoàn toàn có thể làm trẻ dập phổi, gãy tay...
Xe nhà tôi, từ lúc con từ bệnh viện về là đã ngồi baby seat (loại ghế an toàn xoay nằm được). Tới giờ con lớn vẫn ngồi vì quen. Lên xe con tự trèo vào ghế ngồi. Đó là thành quả từ sự kiên trì của ba mẹ và thói quen của bé. Đừng tiếc vài triệu đồng mua cái ghế mà hy sinh mạng sống và an toàn của con".
Đó là quan điểm của độc giả Victorbuidt về Đề xuất chở trẻ dưới 10 tuổi trên ôtô phải có thiết bị an toàn khi không có người lớn ngồi cùng. Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, lái xe phải có thiết bị an toàn cho trẻ dưới 10 tuổi, chiều cao dưới 1,35 m khi không có người lớn ngồi cùng. Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô thường bao gồm nôi sơ sinh cho trẻ dưới 2 tuổi, ghế cho trẻ 2-6 tuổi và các loại đệm nâng cho trẻ 6-10 tuổi.
Đồng tình với quan điểm trẻ em trên ôtô phải có thiết bị an toàn ngay cả khi có người lớn ngồi cùng, bạn đọc Black Cat nhận định: "Khi trẻ còn thấp bé, phần dây đai an toàn sẽ chèn vào giữa bụng trẻ, gây chấn thương nội tạng khi có va chạm xảy ra, cho nên cần có đệm nâng cao, hoặc ghế trẻ em. Kể cả trường hợp có người lớn ngồi cùng và ôm trẻ, nếu va chạm xảy ra thì trẻ vẫn sẽ bị bắn về phía trước gây ra đa chấn thương. Vì tay người lớn cũng không thể giữ được trẻ trong trường hợp này, chỉ dây an toàn mới đảm bảo được điều đó.
Riêng ghế trẻ em trên thị trường, hiện nay có loại cho trẻ tới 12 tuổi và 25 kg. Dây đai an toàn của những ghế này có năm điểm khác nhau, rất an toàn cho trẻ. Do đó, có rất nhiều lựa chọn để mọi người sử dụng. Bản thân gia đình tôi đã mua hai ghế trẻ em từ 0-12 tuổi ngay từ khi mang bầu. Và giờ, bọn trẻ ngồi rất thoải mái, ngủ trên xe trong những chuyến đi dài cũng thoải mái, không cần người lớn ngồi cạnh".
>> 'Bàn lùi phạt nguội xe máy vì thủ tục sang tên phiền hà'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Khanhtrang lại ủng hộ điểm mới của dự thảo lần này: "Nếu 'thiết bị an toàn' được hiểu là thiết bị ngoài không phải là thiết bị theo xe thì chỉ nên áp dụng khi không có người lớn theo cùng bởi trẻ nhỏ dời tay bố mẹ là quấy khóc còn gây mất tập trung hơn.
Thêm nữa, bé nhà mình 5 tuổi là đã có hành vi chắc chắn trong việc thắt dây an toàn theo xe rồi. Vì vậy, trẻ dưới 10 tuổi vẫn cần thiết bị an toàn ngoài là không hợp lý. Tốt nhất là trẻ nhỏ phải có người lớn đi kèm và ngồi xe phải thắt dây an toàn, thế là đủ. Mà tiêu chí vậy thì ai ngồi xe cũng tự làm để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình, chứ không cần luật".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Hoanhkhoa phân tích: "Thực chất những quy định về thiết bị bảo hộ cho trẻ là điều cần thiết, nhưng nó phải theo hực trạng giao thông của mỗi nơi. Ở các quốc gia tiên tiến, tốc độ cho phép của các phương tiện có khi lên tới 200 km/h . Còn ở Việt Nam, tốc độ phương tiện ở đô thị chỉ có tối đa 80 km/h. Có nơi chỉ có 40-50 km/h. Đến như cao tốc của ta cũng chỉ tới 120 km/h. Thế nên, chỉ nên quy định chặt cho người lái xe trên cao tốc. Còn lại cũng không cần thiết áp dụng với người di chuyển nội thị".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nặng - nhẹ xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn mức cao
- Siết độ cồn bằng 0 vì 'cứ thấy quán nhậu là tấp vô'
- Chạy ngược chiều né tắc đường - 'không thể trông đợi vào ý thức người đi xe máy'
- Tắc đường Hà Nội vì cố vượt một hai giây đèn vàng
- Bất lực vì đám đông chạy xe ngược chiều quá đông và hung hãn
- Đi đúng luật phải nhường đường người đi sai