Trả lời:
Ngải dại có tên khác là ngải hoang, mẫu hao, cùng loài với ngải cứu nhưng là thứ khác, tên khoa học là Artemisia vulgaris L. var. indica (Willd.) DC., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây có hình dáng rất giống ngải cứu, chỉ khác là mặt trên lá màu lục nhạt, mặt dưới ít lông; lông không có màu trắng mà xám nhạt. Còn ở ngải cứu thì mặt trên lá màu sẫm đen, mặt dưới phủ đầy lông trắng mịn như nhung. Mùi của lá ngải dại khi vò ra cũng hắc hơn.
Ngải dại mọc hoang thành đám liên tục trên đất ẩm ở ven đường đi, ven rừng, trên nương rẫy gần bờ khe suối. Những tỉnh có nhiều ngải dại là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu với trữ lượng rất lớn.
Nhân dân vẫn dùng ngải dại làm thuốc chữa bệnh thay ngải cứu để chữa đau đầu, đau bụng, chảy máu, rối loạn kinh nguyệt. Một số cơ sở dược phẩm ở các tỉnh có nhiều dược liệu này cũng khai thác thu mua ngải dại thay ngải cứu để sản xuất thuốc điều kinh dùng trong tỉnh và xuất cho các tỉnh khác. Nhưng không thể dùng ngải dại làm mồi cứu được vì chỉ có lá ngải cứu phơi khô, tán nhỏ mới rây lấy được phần lông trắng và tơi xốp gọi là ngải nhung để làm mồi cứu.
Có thể dùng ngải dại trong những trường hợp sau:
- Chữa kinh nguyệt không đều: Lấy 10 g lá ngải dại phơi khô, thái nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống làm một lần trong ngày trước khi có kinh một tuần. Hoặc phối hợp ngải dại với củ gấu, ích mẫu, mần tưới, nhọ nồi, mỗi thứ 3 lạng, tán thành bột, trộn với bột gạo nếp và đường đã nấu thành sirô để làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên.
- Chữa cảm cúm, nhức đầu: Lá ngải dại, lá cúc tần mỗi loại 20 g, gừng tươi 10 g. Tất cả sắc uống lúc nóng, rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.
DS. Bảo Hoa, Sức Khỏe & Đời Sống