Kết quả chụp CT phát hiện bà bị nhồi máu não diện rộng động mạch não giữa, 1/3 nhu mô não đã chết. Người nhà cho biết, bà cụ có biểu hiện yếu liệt, khó nói từ trước, nhưng không biết đó là dấu hiệu đột quỵ. Gia đình sợ bị lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện, chần chừ đưa bà đi khám, cho đến khi nặng.
"Lúc này, các can thiệp y khoa cho người bệnh hầu như đã không còn ý nghĩa. Bệnh nhân diễn tiến nặng hơn, phù não, tụt huyết áp và tử vong", bác sĩ Đinh Hoàng Phát, Đơn vị đột quỵ, khoa Nội Tim mạch chia sẻ với VnExpress ngày 8/11.
Đây là một trong nhiều bệnh nhân đột quỵ bị lỡ "thời gian vàng" điều trị do lo ngại dịch. Đợt dịch thứ 4 bùng phát dữ dội, thành phố giãn cách liên tục trong nhiều tháng. Giai đoạn này, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện điều trị giảm sâu, khoảng 60-85%, so với trước dịch, ở nhiều bệnh viện. Từ ngày 1/10, sau khi thành phố mở cửa trở lại, lượng bệnh nhân tăng dần.
Khảo sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trong ba tháng dịch cao điểm (tháng 7, 8, 9) tổng số bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện là 81 ca. Trước đó, trung bình mỗi tháng đơn vị điều trị 60 ca.
Tương tự, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trước dịch tiếp nhận trung bình 5-7 ca đột quỵ mỗi ngày, trong dịch còn 1-2 ca, có ngày không có. Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM có lượng bệnh nhân giảm sâu nhất. Khoa có 70 giường bệnh nội trú, bình thường luôn điều trị 30-40 bệnh nhân đột quỵ, hồi đỉnh dịch chỉ khoảng 10 bệnh nhân nhập viện.
Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, lượng bệnh nhân đột quỵ trong quý I là 2.128; quý II giảm còn 1.512; quý III (thời điểm Covid-19 khốc liệt nhất) giảm sâu còn 417 bệnh nhân (trung bình chỉ còn chưa đến 5 ca nhập viện mỗi ngày). Ngoài ra, số bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông cấp cứu trong quý I là 392, tương đương hơn 130 người mỗi tháng, quý II có 327 bệnh nhân, tương đương 110 người mỗi tháng, quý III chỉ còn 28 bệnh nhân, tức 9 người mỗi tháng.
Lượng bệnh nhân đột quỵ đến các trung tâm cấp cứu, đột quỵ tại Hà Nội cũng giảm rõ rệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù đang vào mùa lạnh.
Bác sĩ Trần Quang Thắng (Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương), cho biết gần đây bệnh viện rất vắng bệnh nhân, phần lớn là bệnh nhân viêm phổi, biến chứng đái tháo đường..., rất ít bệnh nhân do tai biến.
Đặc biệt, thời tiết giao mùa là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. "Nhưng năm nay vắng kỷ lục, không chỉ viện lão khoa mà các bệnh viện khác cũng tương tự", bác sĩ nói.
Khoa có 45 nhân sự, ngoài nhóm đi chống dịch hoặc nghỉ luân phiên, hiện chỉ khoảng 10-15 y bác sĩ song vẫn đủ đáp ứng công việc, bác sĩ Thắng cho hay.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8, lượng bệnh nhân cấp cứu giảm sâu. Bác sĩ Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu A9, cho rằng bệnh đột quỵ không thể biết trước, song mùa lạnh sẽ nhiều hơn nhưng gần đây có ngày không có ca nào, hoặc 1-2 ca. Bệnh nhân đến khám không đổ ồ ạt lên bệnh viện tuyến trung ương như trước.
Lý giải tình trạng này, các bác sĩ cho rằng không phải do số bệnh nhân bị đột quỵ giảm, mà người bệnh vì nhiều lý do không đến bệnh viện.
Về khách quan, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên (khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM), cho biết người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 18, khó gọi được xe cứu thương, thậm chí có bệnh nhân ở nhà một mình, không thể xoay xở để đến bệnh viện. Chưa kể, giãn cách kéo dài khiến di chuyển giữa các tỉnh thành thêm phần khó.
Hoặc, một số đơn vị cấp cứu phát hiện ca F0, buộc phải tạm ngưng nhận bệnh để phun khử khuẩn, bệnh nhân phải chờ đợi hoặc chuyển đến bệnh viện khác. Khi đến viện, các vùng não đã tổn thương không thể phục hồi sau thời gian dài thiếu máu não, dẫn đến các di chứng nặng nề như tàn phế, liệt nửa người, liệt chi hoàn toàn, mất trí nhớ, mất ngôn ngữ, nguy hiểm hơn là tử vong.
Theo bà Quyên, bình thường bệnh nhân đột quỵ đến kịp "thời gian vàng" điều trị (4,5 giờ để tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, 6 giờ để lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học - cho bệnh nhân nhồi máu não) vốn đã thấp (tối đa 30%), trong dịch càng thấp hơn, thậm chí có nơi 0%. "Có thể đã có bệnh nhân đột quỵ trở nặng và tử vong tại nhà mà chúng ta không thể biết và thống kê được", bác sĩ nói.
Ngoài ra, trong thời gian cao điểm bùng phát dịch, một số bệnh viện quá tải điều trị Covid-19 gây ảnh hưởng việc nhận bệnh, hoặc các thủ tục sàng lọc, xét nghiệm để nhập viện tốn nhiều thời gian, có thể làm lỡ thời gian vàng điều trị đột quỵ.
Về chủ quan, người dân sợ bị lây nhiễm Covid-19, sợ bệnh viện trong thời điểm đó chỉ tập trung điều trị Covid-19 mà không điều trị đột quỵ nên ngại đến. Thậm chí, có trường hợp biết mình đã bị đột quỵ, song cố gắng ở nhà tự tìm uống thuốc, nghỉ ngơi mong hồi phục.
"Họ chấp nhận có thể khiếm khuyết một vài chức năng do di chứng đột quỵ hơn là đến bệnh viện", bác sĩ Trần Trung Thành (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) chia sẻ.
Nhiều trường hợp bản thân người bệnh, người thân không nhận diện được các dấu hiệu yếu liệt nửa người, tê tay chân, nói khó, méo miệng... là đột quỵ, nhầm lẫn với trúng gió, suy nhược cơ thể nên không đi viện.
"Chưa kể, thời tiết lạnh, bệnh nhân nhẹ ngại đi khám, khi nặng hơn mới đến viện điều trị nên số lượng người đến khám ngoại trú giảm", bác sĩ Thọ giải thích thêm.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng (Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP HCM), nhận định để cứu sống bệnh nhân đột quỵ, yếu tố quan trọng nhất là quy trình tiếp nhận và triển khai công tác cấp cứu. Bác sĩ dẫn chứng một trường hợp bệnh nhân đột quỵ giờ thứ 5, ngày 1/11, được chuyển từ tỉnh lân cận đến khoa. Sau khi kiểm tra phim CT-CTA qua hệ thống PACs, bác sĩ tiến hành can thiệp tái thông được động mạch não giữa trong 60 phút. Sáng hôm sau, bệnh nhân đã phục hồi gần hoàn toàn, dù nhập viện trong tình trạng liệt gần hoàn toàn 1/2 người trái.
"Do đó, người dân nên chủ động phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ. Nếu chờ đến lúc bị đột quỵ và dựa vào việc bác sĩ điều trị thì khả năng thất bại rất cao nếu đến viện trễ, kể cả đến sớm thì tỷ lệ thành công cũng chỉ khoảng 50%", bác sĩ Thắng nói.
Các dấu hiệu đột quỵ tiêu biểu là chóng mặt, đau đầu, tê nửa người, mặt thiếu cân xứng, miệng méo... Một số biểu hiện khác như cảm giác tê mỏi chân tay, khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh hoạt, mỏi lưỡi tê cứng, nói chậm, rối loạn trí nhớ, không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh... Khi ấy, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay để để điều trị.
"Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp, đâm kim, chích lễ... vừa không có tác dụng, vừa gây nguy hiểm bệnh nhân, đồng thời làm chậm trễ "thời gian vàng", các bác sĩ khuyến cáo.
Anh Thư - Thùy An - Lê Phương