PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết chỉ khoảng 10% không tìm được nguyên nhân, còn lại hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang ít nhất một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ. Một người béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, đôi khi kèm tiểu đường, nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân đột quỵ thường nhập viện với hai tình huống. Thứ nhất, người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện. Thứ hai, bệnh nhân biết nhưng chủ quan, không điều trị hoặc bỏ dở, bởi các thủ phạm này thường có triệu chứng khá mơ hồ, trong khi tăng huyết áp, tiểu đường phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như điều trị suốt đời theo chỉ định của bác sĩ.
"Nhiều người đánh giá rất thấp các bệnh lý tiềm tàng này, đến lúc bùng phát thì trở tay không kịp", bác sĩ Thắng chia sẻ. Chẳng hạn, nhiều người bệnh tăng huyết áp tâm thu cao trên 180 mmHg vẫn cảm giác khoẻ mạnh bình thường nên nghĩ rằng không cần phải uống thuốc hằng ngày. Một số người sau vài tháng dùng thuốc, huyết áp ổn định thì tự ý ngưng vì ngại uống thuốc, hoặc sợ uống thuốc sẽ làm tụt huyết áp. Trong khi đó, mức huyết áp được duy trì là nhờ thuốc, khi ngưng thuốc huyết áp sẽ tăng cao trở lại.
Bác sĩ Thắng nhấn mạnh, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đầu trên thế giới, nhưng điều đáng sợ không kém là gánh nặng tàn phế. Một người đang khoẻ mạnh, sau cơn đột quỵ có thể trở nên liệt, rối loạn nuốt, suy giảm trí nhớ.... Các thống kê thấy khoảng 70% bệnh nhân đột quỵ một lần không thể quay lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân đột quỵ may mắn phục hồi tốt, cũng cần phải sử dụng thuốc để phòng ngừa tái phát.
Cách đây khoảng 25 năm, thế giới hầu như đầu hàng với đột quỵ vì không có biện pháp được xem là hữu hiệu làm giảm sự phá huỷ tế bào não gây ra do đột quỵ. Hiện nay, đột quỵ là bệnh chữa được nhưng đòi hỏi bệnh nhân đến sớm những giờ vàng đầu tiên để chạy đua thời gian cứu những tế bào não chưa chết, nếu đến trễ hậu quả rất lớn.
"Do đó, điều quan trọng là nên phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ và quan tâm kiểm soát. Nếu chờ đến lúc bị đột quỵ và dựa vào việc bác sĩ điều trị thì khả năng thất bại rất cao nếu đến viện trễ, kể cả đến sớm thì tỷ lệ thành công cũng chỉ khoảng 50%", bác sĩ Thắng nói.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh đột quỵ khá dễ nhận biết vì hầu hết bệnh nhân có triệu chứng liệt, yếu nửa người cùng một bên cơ thể. Triệu chứng thường gặp nữa là bệnh nhân đột nhiên méo miệng, nói không rõ, tiếng bị đớ.
"Các triệu chứng này đều xảy ra rất đột ngột, không có cơn báo trước", bác sĩ Thắng nói.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt, hầu hết nạn nhân đều tỉnh táo nên không cần sơ cứu gì khác. Việc xử trí tại nhà như cho uống thuốc hạ huyết áp, đâm kim, chích lễ... vừa không có tác dụng, vừa gây nguy hiểm bệnh nhân, đồng thời làm chậm trễ "thời gian vàng".