"Cần làm rõ thêm vì báo cáo có nhiều vấn đề. Tôi sẽ không liệt kê các vấn đề đó nhưng chúng tôi đã yêu cầu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) làm rõ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc phương Tây gây "áp lực" lên IAEA để tác động đến báo cáo về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine. "Rõ ràng là phương Tây luôn gây áp lực lên IAEA và việc đó vẫn chưa dừng lại", bà nói.
Trong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay khẳng định "không có thiết bị quân sự" tại nhà máy Zaporizhzhia.
Ông bác bỏ cáo buộc rằng Moskva đang pháo kích vào nhà máy. "Quân nhân của chúng tôi đang ở đó, chúng tôi bắn vào chính mình sao?", ông Putin nói và cáo buộc Kiev tập kích cơ sở, tạo ra các mối đe dọa an ninh hạt nhân.
IAEA hôm 6/9 công bố báo cáo về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine, kêu gọi thiết lập ngay khu vực an ninh và an toàn hạt nhân quanh cơ sở này để ngăn chặn sự cố phóng xạ phát sinh do giao tranh. Theo IAEA, kể từ tháng 4, một số "sự kiện" xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia vi phạm nguyên tắc an toàn hạt nhân.
Báo cáo cho biết nhóm chuyên gia IAEA đã "chứng kiến các cuộc pháo kích ở khu vực lân cận nhà máy và phát hiện thiệt hại tại những địa điểm khác nhau, trong đó có vị trí gần các tòa nhà đặt lò phản ứng".
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết Moskva "lấy làm tiếc" vì báo cáo không chỉ đích danh Ukraine đứng sau các vụ tấn công. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh báo cáo của IAEA vì ghi nhận việc quân đội Nga "chiếm đóng nhà máy".
Tổng giám đốc Rafael Grossi cùng 13 chuyên gia IAEA tuần trước tới thăm nhà máy Zaporizhzhia. Ít nhất hai thành viên của nhóm tiếp tục hiện diện vô thời hạn tại nhà máy để đảm bảo an toàn cho cơ sở.
Alexei Likhachev, người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, hôm nay cho biết Moskva sẽ "cố gắng hết sức để đảm bảo hoạt động an toàn của nhà máy".
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.
Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Huyền Lê (Theo AFP, TASS)