"Tình hình hiện tại là không thể giải quyết được", Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trong báo cáo hôm 6/9, sau khi cử nhóm thanh sát viên tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine tuần trước.
"Trong khi chờ đợi xung đột chấm dứt và tái thiết lập điều kiện ổn định, cần có biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự cố hạt nhân phát sinh do phương tiện quân sự gây ra. Điều này có thể đạt được bằng cách thiết lập ngay khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân", báo cáo nêu thêm. "IAEA sẵn sàng bắt đầu ngay lập tức các cuộc tham vấn để thiết lập khẩn cấp khu vực như vậy".
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cùng 13 thanh sát viên đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia giữa bối cảnh nhà máy đang hứng chịu nhiều đợt pháo kích.
Các thanh sát viên của IAEA ghi nhận thiệt hại tại nhà máy và kêu gọi sử dụng biện pháp ngăn chặn thảm họa hạt nhân. Theo cơ quan này, kể từ tháng 4, một số "sự kiện" xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia vi phạm nguyên tắc an toàn hạt nhân.
Báo cáo khẳng định nhóm chuyên gia IAEA đã "chứng kiến các cuộc pháo kích ở khu vực lân cận nhà máy và quan sát thiệt hại tại những địa điểm khác nhau, bao gồm gần các tòa nhà đặt lò phản ứng".
"Việc pháo kích vào nhà máy và khu vực lân cận cần phải dừng lại ngay lập tức để tránh thêm bất kỳ thiệt hại nào, vì sự an toàn của nhân viên vận hành và duy trì tính toàn vẹn vật lý để hỗ trợ hoạt động an toàn. Điều này yêu cầu sự đồng ý của tất cả bên liên quan về thiết lập khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh nhà máy", IAEA khuyến nghị.
IAEA cũng đề nghị các bên xung đột cung cấp điều kiện làm việc tốt cho nhân viên tại cơ sở hạt nhân.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết Moskva lấy làm tiếc vì báo cáo không chỉ đích danh Ukraine đứng sau các vụ tấn công.
"Chúng tôi hiểu quan điểm của nhóm chuyên gia với tư cách cơ quan quản lý quốc tế, nhưng trong tình hình hiện tại, việc chỉ đích danh mọi thứ là rất quan trọng", đại sứ Nebenzia phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ. "Nếu Ukraine tiếp tục hành động khiêu khích, không gì đảm bảo sẽ không có hậu quả nghiêm trọng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Kiev, những nước phương Tây ủng hộ họ cũng như tất cả thành viên Hội đồng Bảo an".
Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya đáp trả, nói rằng không có vấn đề gì tại nhà máy cho đến khi Nga kiểm soát. "Thế giới không chỉ xứng đáng mà còn cần các đại diện của IAEA buộc Nga phi quân sự hóa lãnh thổ nhà máy và trả lại toàn quyền kiểm soát cho Ukraine", đại sứ Kyslytsya nói.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh báo cáo của IAEA vì ghi nhận việc quân đội Nga "chiếm đóng nhà máy". Theo ông, nếu khu vực an ninh do IAEA đề xuất nhằm phi quân sự hóa "nhà máy điện hạt nhân thì chúng tôi có thể ủng hộ".
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.
Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Huyền Lê (Theo AFP, TASS)