"Máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet thu hút rất nhiều chú ý trên thị trường quốc tế, nhưng chúng tôi chưa định bán sản phẩm ra nước ngoài vì nhu cầu rất lớn từ quân đội Nga và loại vũ khí này chưa được cấp giấy phép xuất khẩu", tổng giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết tại triển lãm hàng không Dubai hôm 14/11.
Tổng giám đốc Mikheev nhấn mạnh UAV Lancet đã "thể hiện uy lực tuyệt vời trong hoạt động tác chiến thực tế". Ông nói rằng nhiều đối tác nước ngoài đã bày tỏ mong muốn sở hữu đạn tuần kích do Nga phát triển và Rosoboronexport đang chào bán UAV tự sát Kub-E cho thị trường này.
UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trên bầu trời trong khu vực được chỉ định và chỉ tấn công khi xác định cụ thể mục tiêu.
UAV Lancet được tập đoàn Zala Aero thuộc hãng Kalashnikov của Nga phát triển dựa trên đạn tuần kích KUB-BLA và ra mắt năm 2019. Nó lấp khoảng trống quan trọng giữa flycam hạng nhẹ mang thuốc nổ và UAV tự sát tầm xa như Geran-2, đáp ứng nhu cầu về vũ khí tầm trung chuyên thực hiện đòn đánh chính xác cao và phản pháo cấp chiến thuật - chiến dịch.
Lancet tham chiến lần đầu vào tháng 7/2022 và đã tấn công hàng trăm khí tài của Ukraine, trong đó chủ yếu là pháo tự hành và lựu pháo, tổ hợp phòng không, hệ thống tác chiến điện tử, xe tăng thiết giáp và cả tiêm kích MiG-29.
Những mẫu Lancet đầu tiên có thể tự động lao xuống mục tiêu do người vận hành đánh dấu, hoặc được điều khiển thủ công để chọn vị trí hiểm yếu nhất của mục tiêu. Phiên bản Lancet mới nhất tham chiến tại Ukraine được bổ sung khả năng tự động phát hiện và bám bắt mục tiêu, không cần chỉ thị từ kíp điều khiển.
Hiệu quả tác chiến cao đã thúc đẩy Nga mở rộng dây chuyền chế tạo Lancet. Kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya-1 hồi tháng 7 cho biết sản lượng của dòng UAV này đã tăng hơn 50 lần kể từ khi chiến sự bùng phát. Phần cứng và phần mềm của Lancet cũng liên tục được nâng cấp, giúp tăng tầm bay và độ chính xác cho chúng.
Alexander Zakharov, tổng công trình sư của Zala Aero, hồi tháng 7 cho biết doanh nghiệp này đang phát triển dòng Lancet trang bị thuật toán lựa chọn mục tiêu và năng lực phối hợp tác chiến, ứng dụng học thuyết tấn công hiệp đồng bằng bầy UAV.
Trong bài viết về thách thức công nghệ trên chiến trường đăng ngày 1/11, tư lệnh quân đội Ukraine Valeri Zaluzhny đề cập nhiều đến Lancet và nhấn mạnh đây là vũ khí "rất khó đối phó".
Vũ Anh (Theo TASS)