"Chúng tôi đã chứng kiến những nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại quá trình hợp tác, cũng như ép Ấn Độ mua vũ khí của họ và tuân theo định hướng về phát triển khu vực của Mỹ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 6/12, đề cập tới thương vụ tên lửa phòng không S-400 giữa hai nước.
Tuy nhiên, Lavrov khẳng định thỏa thuận đang được Nga - Ấn hoàn thiện và thượng vụ vẫn diễn ra theo kế hoạch bất chấp Mỹ cản trở. "Hợp đồng S-400 không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn giúp bảo đảm năng lực phòng thủ cho Ấn Độ trong thực tế", ông nói, thêm rằng Ấn Độ sẽ tự quyết định loại vũ khí nước này muốn mua và "ai sẽ là đối tác của họ tại đây cũng như các khu vực khác".
Giới chức Ấn Độ cũng cho biết hợp đồng S-400 đang được thực thi, quá trình chuyển giao khí tài đã khởi động từ đầu tháng 12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thăm Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Trong chuyến thăm, quan chức hai nước đã ký 28 thỏa thuận đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất thép, đóng tàu, than và năng lượng.
Nga cũng ký hợp đồng cho phép Ấn Độ tự sản xuất hơn 600.000 súng trường AK-203 và tỏ ý sẵn sàng cung cấp thêm các hệ thống phòng không S-400 ngoài thương vụ đã ký.
Ấn Độ đồng ý mua tên lửa phòng không tầm xa S-400 trị giá 5,5 tỷ USD của Nga hồi năm 2018, nhằm đối phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. Mỹ nhiều lần khẳng định điều này có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong tương lai, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt nước này theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu hợp đồng được thực hiện.
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ khẳng định hợp đồng mua S-400 đáp ứng đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia, đảm bảo với Mỹ rằng các hệ thống này sẽ không gây nguy hiểm cho những vũ khí mà New Delhi đã hoặc sẽ mua của Washington. Ấn Độ hồi giữa năm 2019 đã chuyển khoản đặt cọc đầu tiên cho Nga.
Mỹ từng đề xuất bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ, dù các vũ khí này có giá cao hơn nhiều so với S-400.
Giới phân tích cho rằng S-400 có sức hấp dẫn với nhiều quốc gia, kể cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ, bởi nó được đánh giá là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có nhiều ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.
Vũ Anh (Theo TASS)