Kazakhstan, cường quốc dầu mỏ ở Trung Á, gần đây thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, đồng thời thu hút hàng trăm công ty phương Tây đã rời khỏi Nga. Quốc gia này cũng cho phép hàng chục nghìn người Nga nhập cảnh sau khi Moskva ban bố lệnh động viên một phần.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 29/11 gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Paris, thảo luận về tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng và giáo dục. Đây là chuyến thăm Pháp đầu tiên của một lãnh đạo Kazakhstan trong 7 năm qua, được giới quan sát coi là động thái mang tính biểu tượng mạnh mẽ cho việc quốc gia này hướng tới các đối tác có thể thay thế Nga.
Tuần trước, một lãnh đạo Trung Á khác là Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng tới Paris gặp ông Macron. Hội nghị của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hôm 23/11 cũng kết thúc trong căng thẳng, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bày tỏ bất bình, cho rằng quốc gia của ông không nhận được sự ủng hộ tương xứng của CSTO trong xung đột với Azerbaihjan.
Trong phiên chụp ảnh chung tại hội nghị, Thủ tướng Armenia dường như còn cố tạo khoảng cách với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Tokayev tái đắc cử nhiệm kỳ 7 năm ngày 20/11. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho rằng cuộc bầu cử này là "thiếu tính cạnh tranh", nhưng châu Âu gần đây đang tìm cách thu hút các quốc gia Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan, trở thành nguồn cung năng lượng thay thế cho khí đốt Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hồi tháng 10 tới thăm Trung Á để gặp lãnh đạo các nước trong khu vực. Người đứng đầu chính sách đối ngoại châu Âu Josep Borrell cũng có chuyến thăm tương tự trong tháng này.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Donald Lu tới Trung Á đầu tháng 11, cam kết cung cấp 25 triệu USD để thúc đẩy các tuyến thương mại và thu hút đầu tư. Bộ Ngoại giao Mỹ nói đây là chuyến đi nhằm hỗ trợ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho các nước Trung Á.
Tổng thống Putin từng cảnh báo các đối tác Trung Á về "những người ngoài", ám chỉ phương Tây, sẽ hủy hoại lòng tin giữa họ. Tuy nhiên, Nga dường như đang dần đánh mất ảnh hưởng trong khu vực sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Tokayev đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, dấu hiệu cho thấy các nước láng giềng Nga bất an trước cuộc xung đột. Nga ban đầu từng cố gây sức ép với Tokayev khi ông từ chối ủng hộ cuộc chiến, hỗ trợ Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây hay công nhận các vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Moskva đã tạm đình chỉ đường ống dẫn dầu Caspi từ Kazakhstan tới Biển Đen hồi mùa hè, trong khi một số người có quan điểm cứng rắn ở Nga thậm chí cảnh báo quốc gia Trung Á này có thể là nước tiếp theo trong danh sách phát động chiến dịch quân sự của Moskva.
Ông Putin nhiều lần đọc sai tên Tổng thống Kazakhstan trong các cuộc họp và không hội đàm riêng với ông Tokayev trong hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan.
Temur Umarov, nhà phân tích về Trung Á tại Quỹ Endowment vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng ông Putin đã "cố tình" phát âm sai tên của Tổng thống Kazakhstan.
Tuy nhiên, Tổng thống Tokayev không bận tâm. Ông đã đón tiếp những vị khách quyền lực khác vào tháng 9, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch tới Astana và cam kết ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan. Cam kết tương tự được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra trong chuyến thăm hồi tháng 10.
"Điều rất quan trọng với Astana là ông Tập đã đến và thông báo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Kazakhstan", chuyên gia Umarov nói.
Nhà phân tích thêm rằng nó cũng gửi thông điệp tới Nga rằng "tất cả những luận điệu gay gắt mà Moskva đưa ra với Kazakhstan là không thể chấp nhận được".
Tổng thống Tokayev yêu cầu chính phủ tìm cách đa dạng hóa các tuyến vận chuyển dầu mỏ, đóng băng một số dự án với Nga liên quan tới lệnh trừng phạt và mở biên giới cho những người dân Nga muốn né lệnh động viên một phần.
Nhiều người Kazakhstan cũng đứng về phía Ukraine trong cuộc xung đột, bởi cũng giống như Kiev, quốc gia Trung Á này là nơi sinh sống của nhiều người Nga, theo nhà phân tích Dimash Alzhanov, người sáng lập tổ chức ủng hộ dân chủ Erkin Qazaqstan.
"Về cơ bản, chúng tôi có thể nói rằng xã hội Kazakhstan đứng về phía Ukraine. Sau tất cả những lời chỉ trích mà quan chức Nga dành cho Kazakhstan, chống lại toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan, mọi người rất dè chừng. Xung đột Ukraine cũng ảnh hưởng tới công chúng Kazakhstan, vì họ lo sợ điều tương tự có thể xảy ra với đất nước của mình, đặc biệt là lãnh thổ miền bắc", Alzhanov nói.
Tổng thống Tokayev không phải lãnh đạo duy nhất trong khu vực có những động thái thờ ơ với ông Putin. Tuần trước, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từ chối ký tuyên bố chung của hội nghị CTSO.
Hồi tháng 10, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã không chúc mừng sinh nhật 70 tuổi của ông Putin và từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập ở St. Petersburg. Japarov cũng từ chối tham dự các cuộc tập trận chung của CSTO.
Lời chỉ trích gây bất ngờ nhất đến từ Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, đồng minh thân cận của ông Putin. Tại hội nghị ở Astana hồi tháng 10, ông cảnh báo lãnh đạo Nga không nên phớt lờ các nước nhỏ. Tuyên bố Tajikistan luôn tôn trọng Nga, ông nói "chúng tôi cũng muốn được tôn trọng".
Nga vốn được xem là cường quốc thống trị khu vực. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine ở phơi bày những rủi ro khi quá phụ thuộc vào Nga về an ninh và thương mại, do khả năng suy giảm kinh tế vì lệnh trừng phạt.
Umarov nói Trung Quốc chưa thể gạt Nga sang một bên trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, nhưng thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào hệ thống đường sắt và đường ống dẫn dầu khí ở khu vực đang tăng lên. "Về lâu dài, tôi nghĩ vị thế của Nga ở Trung Á bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi", ông nói.
Vai trò ngày càng lớn của phương Tây trong khu vực cũng khiến Moskva lo ngại. Khi ủy viên chính sách đối ngoại châu Âu Josep Borrell thăm Kazakhstan, ông cảnh báo rủi ro khi quá phụ thuộc vào một đối tác "bất kể về lịch sử hay địa lý". Đầu tháng 11, EU ký biên bản ghi nhớ với Kazakhstan về cung cấp đất hiếm và hydro.
"Nga đang cần Trung Á hơn bất kỳ lúc nào, bởi Moskva đang bị phương Tây cô lập và mọi quốc gia tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh với Nga đều trở nên có giá trị hơn rất nhiều", ông Umarov nói.
Khi mời Tổng thống Tokayev dừng chân ở Moskva trên đường tới Paris, ông Putin dường như muốn chứng minh tầm quan trọng của Nga với Kazakhstan. Lãnh đạo Nga đã nhiệt tình chúc mừng người đồng cấp Kazakhstan đã tái đắc cử. Ông Putin lúc đó hơi lưỡng lự khi phát âm tên của Tổng thống Tokayev, nhưng lần này ông đã đọc đúng.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)