"Quân đội Nga quyết định triển khai oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 đến bán đảo Crimea để đáp trả lá chắn tên lửa Mỹ ở Romania. Sự kết hợp giữa máy bay Tu-22M3 cùng tên lửa hành trình tầm xa cho phép chọc thủng các hệ thống phòng không hiện đại và tấn công mọi địa điểm ở châu Âu", Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev hôm nay tuyên bố.
Phi đội Tu-22M3 sẽ đóng quân tại căn cứ không quân Gvardeyskoye và được hiện đại hóa lên chuẩn M3M trong những năm tới. "Việc nâng cấp cho phép những chiếc Tu-22 đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách hàng nghìn km", ông Bondarev nói thêm.
Biến thể Tu-22M3 đi vào hoạt động vào năm 1983, trong khi phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M ra mắt hồi năm 2018. Chức năng chủ yếu của Tu-22M3 là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ. Sự xuất hiện của Tu-22M3 khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng được thiết kế để mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương.
Vũ khí chính của Tu-22M3 của ba tên lửa diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km hoặc 10 tên lửa đạn đạo chống hạm Kh-15 có khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 300 km, trong khi biến thể Tu-22M3M có thể mang 4 tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 "Kinzhal".
Giới phân tích cho rằng việc mang 4 tên lửa Kinzhal sẽ giúp oanh tạc cơ Tu-22M3M đối phó hiệu quả hơn với các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng hiện đại. Nó cũng giúp Bộ Quốc phòng Nga tiết kiệm chi phí bằng cách tận dụng dòng máy bay cũ, thay vì phát triển và sản xuất những phi cơ mới để mang tên lửa Kinzhal.
Kinzhal ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động mạnh để tránh lá chắn tên lửa đối phương. Tầm bắn tối đa tới 2.000 km và tốc độ khoảng 12.000 km/h giúp phi cơ mang phóng không phải bay vào lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay.