"Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV sẽ sớm xuất hiện trong chiến dịch tại Ukraine, do quân đội Nga đang cần loại pháo có tầm bắn vượt trội so với các hệ thống của NATO. Koalitsiya-SV sở hữu ưu thế rất đáng kể về mặt này", Sergei Chemezov, tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga, cho biết trong cuộc phỏng vấn công bố hôm nay.
Ông Chemezov nói rằng hệ thống Koalitsiya-SV đã hoàn tất thử nghiệm và dây chuyền sản xuất hàng loạt đã khởi động. "Lô thí điểm đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối tháng 12", ông nói.
Hệ thống 2S35 Koalitsiya-SV sử dụng pháo 2A88 cỡ nòng 152 mm, đạt tầm bắn tối đa 40 km với đạn thông thường và 80 km với đạn thông minh, vượt trội so với tầm bắn 25-40 km của pháo M109 Paladin Mỹ, AS90 Anh và AHS Krab đang được quân đội Ukraine sử dụng.
![Tổ hợp 2S35 diễn tập duyệt binh ở ngoại ô Moskva hồi năm 2021. Ảnh: Vitaly Kuzmin](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/27/2s35-1-JPG-7968-1703661864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bPc3CXg80TJhFeGcJJ38bA)
Tổ hợp 2S35 diễn tập duyệt binh ở ngoại ô Moskva hồi năm 2021. Ảnh: Vitaly Kuzmin
Nhờ hệ thống nạp đạn tự động, Koalitsiya-SV có thể đạt tốc độ khai hỏa tối đa nhanh gấp đôi mẫu M109 Paladin Mỹ. Bên cạnh đó, mẫu pháo tự hành này còn được trang bị hệ thống định vị vệ tinh và chỉ thị mục tiêu bằng laser. Mức độ tự động hóa cao khiến Koalitsiya-SV chỉ cần 2-3 người để vận hành, trong khi kíp pháo M109 Paladin cần 4-5 người.
Tầm bắn lớn và tốc độ khai hỏa cao sẽ mang lại lợi thế trong các cuộc đấu pháo, cho phép khẩu đội công kích đối phương mà không sợ bị phản pháo, cũng như nằm ngoài tầm tiếp cận của nhiều hệ thống máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Quan chức Nga thêm rằng Rostec đang có kế hoạch thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh điều khiển từ xa trong điều kiện tác chiến tại Ukraine. Tổ hợp điều khiển từ xa hiện mới được lắp đặt cho thiết giáp BMP-3, nhưng có thể được trang bị trên pháo chống tăng tự hành Sprut-SDM1.
"Chúng tôi trông đợi điều này. Phương tiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm ở thao trường và có thể được đưa ra chiến trường thực tế", ông nói.
Rostec cũng hiện đại hóa nhiều tổ hợp pháo tự hành 2S19 Msta-S, gồm lắp hệ thống điều khiển hỏa lực và màn hình kỹ thuật số đời mới, điều chỉnh vị trí chiến đấu của kíp lái và thay đổi cơ cấu nạp đạn, giúp tăng thời gian phản ứng và tốc độ khai hỏa.
Pháo 2S19M2 thể hiện khả năng "tấn công đồng thời" trong video công bố hồi tháng 4. Video: Zvezda
Phiên bản Msta-S nâng cấp được bổ sung chế độ "tấn công đồng thời" với khả năng khai hỏa và hạ nòng liên tục, giúp một khẩu pháo dội nhiều quả đạn xuống khu vực mục tiêu gần như cùng lúc. Nó cũng đạt tốc độ bắn 10 phát mỗi phút, so với 6-8 phát mỗi phút của mẫu 2S19 nguyên bản.
Rostec là một trong những tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Nga, chịu trách nhiệm sản xuất chiến đấu cơ, pháo, vũ khí chính xác cao, thiết bị liên lạc, tổ hợp tác chiến điện tử và nhiều loại khí tài khác.
Xung đột ở Ukraine đã tạo động lực để ngành công nghiệp vũ khí Nga tăng cường năng lực sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội nước này.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Reuters, TASS)