"Theo quan điểm của chúng tôi, tình hiện hiện nay ở Myanmar là đáng báo động. Chúng tôi lo ngại trước các thông tin cho thấy thương vong ở dân thường ngày càng gia tăng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 12/3.
Khi được hỏi liệu chính phủ Nga, cũng như một vài quốc gia khác, sẽ đình chỉ hợp tác quân sự - kỹ thuật với Myanmar hay không, Peskov cho biết Moskva "vẫn tiếp tục phân tích tình hình".
Nga cùng các nước thuộc Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hôm 10/3 thông qua tuyên bố chung về tình hình ở Myanmar, trong đó lên án bạo lực, ủng hộ tiến trình dân chủ và kêu gọi các bên đối thoại hòa bình.
Tuyên bố chung trước đó đã được sửa đổi theo yêu cầu của Nga và một quốc gia khác, trong đó đề nghị không nhắc tới đảo chính và không đe dọa áp đặt biện pháp mạnh tay với chính quyền Myanmar.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và bắt hàng nghìn người, gồm nhiều nhà báo, kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.
Trước áp lực quốc tế ngày một tăng, chính quyền quân sự Myanmar xác nhận đã trả hai triệu USD để thuê chuyên gia vận động hành lang giải quyết "hiểu lầm quốc tế" về tình hình tại nước này.
Ngọc Ánh (Theo TASS)