Tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên quân đội Myanmar, hôm 11/3 cho biết tình hình nước này không phải điều đáng lo ngại với cộng đồng quốc tế và phương Tây đang đưa ra những nhận định không chính xác liên quan đến Myanmar.
Ông xác nhận chính quyền quân sự đã chi tiền cho một nhà vận động hành lang để "xử lý hiểu lầm quốc tế", khẳng định nước này đang hướng tới "nền dân chủ đích thực" và mong muốn hợp tác quốc tế sau khi trải qua chuỗi ngày bất ổn vì các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự.
Tướng Zaw Min Tun nói thêm rằng lực lượng an ninh Myanmar chấp hành nghiêm kỷ luật, chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết, song cho rằng đụng độ có thể đã xảy ra ở cả hai phía do bị khiêu khích.
Chuyên gia vận động hành lang Ari Ben-Menashe và công ty Dickens&Madson Canada của ông trước đó tuyên bố đã ký thỏa thuận trị giá hai triệu USD về việc đại diện cho chính quyền quân sự Myanmar trong "hỗ trợ hoạch định và thực hiện các chính sách vì sự phát triển có lợi của Myanmar, giải thích tình hình thực tế của đất nước".
Ben-Menashe cho biết được giao nhiệm vụ thuyết phục Mỹ rằng các tướng lĩnh của Myanmar "muốn xích lại gần phương Tây, tránh xa Trung Quốc" và tái định cư nhóm dân Hồi giáo từng tản cư hồi năm 2017.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra. Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hôm 10/3 thông qua tuyên bố chung về tình hình ở Myanmar, trong đó lên án bạo lực, ủng hộ tiến trình dân chủ và kêu gọi các bên đối thoại hòa bình. Chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc lo ngại quân đội Myanmar có thể đã phạm tội ác chống lại loài người, gồm giết người, bắt bớ và tra tấn.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)