"Chúng tôi khuyến cáo công dân Anh rời Myanmar bằng các phương tiện thương mại, trừ khi có nhu cầu cấp thiết phải ở lại", Bộ Ngoại giao Anh hôm nay đăng khuyến nghị đi lại mới. Myanmar từng là thuộc địa của Anh.
Cơ quan này cũng cảnh báo "căng thẳng chính trị và bất ổn đang lan rộng kể từ khi quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực, và mức độ bạo lực đang gia tăng", thêm rằng quân đội cắt Internet hàng đêm và nguồn tiền ngày càng khó khăn do ngân hàng đóng cửa, máy ATM không hoạt động.
Quân đội Myanmar đã dừng các chuyến bay thương mại, nhưng các chuyến bay cứu trợ vẫn hoạt động và công dân Anh có thể đặt chỗ. Những người không thể rời đi được khuyến cáo nên ở trong nhà và giữ an toàn, tránh xa đám đông khi họ phải rời khỏi nhà vì lý do cần thiết.
Trước Anh, Singapore đầu tháng này cũng kêu gọi công dân rời Myanmar càng sớm càng tốt và dừng toàn bộ các chuyến du lịch tới Myanmar vào thời điểm này. Những người Singapore chọn ở lại Myanmar được khuyến cáo nên ở trong nhà và tránh đi lại không cần thiết, đặc biệt không đến các khu vực đang xảy ra biểu tình.
Các khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh tình hình Myanmar ngày càng hỗn loạn sau cuộc đảo chính hôm 1/2. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến hơn 70 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.
Tổ chức Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 11/3 công bố báo cáo quan trọng về khủng hoảng Myanmar, trong đó cáo buộc chính quyền quân sự sử dụng vũ khí quân dụng với người biểu tình không vũ trang và thực hiện các vụ giết người có chủ đích.
Các nhà hoạt động Myanmar hôm nay lên kế hoạch tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình và đình công, kêu gọi người biểu tình không lùi bước. Trong các bài đăng trên mạng xã hội, họ kêu gọi tổ chức biểu tình ban đêm, cùng các cuộc đình công và chiến dịch bất tuân dân sự vốn đã khiến hoạt động kinh tế Myanmar bị tê liệt.
Huyền Lê (Theo AFP, AAP)