Trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, giới chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục cáo buộc Mỹ và các đồng minh cố gắng "phá hoại" sự kiện, lên án các động thái tẩy chay ngoại giao đối với nước này vì cáo buộc về nhân quyền.
Nhưng những gì diễn ra hai tuần qua cho thấy chính Nga, "người bạn thân" kiêm đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc, mới là nhân tố làm lu mờ Thế vận hội, cả trong và ngoài đấu trường thể thao.

Vận động viên trượt băng người Nga Kamila Valieva trong một buổi tập hôm 10/2 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ở tuần thi đấu đầu tiên, trượt băng nghệ thuật, một trong những bộ môn thi đấu được theo dõi nhiều nhất của Thế vận hội, đã bị rung chuyển bởi bê bối doping liên quan tới vận động viên 15 tuổi người Nga Kamila Valieva. Sau màn trình diễn ấn tượng đầu tiên tại Olympic của Valieva, thông tin cô có kết quả xét nghiệm dương tính với doping hồi tháng 12 năm ngoái đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi gay gắt, nhanh chóng chiếm lĩnh chú ý của truyền thông toàn cầu.
Trong khi đó, ở cách xa Bắc Kinh hàng nghìn km, hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine đã thu hút mọi sự quan tâm lẫn lo lắng khắp châu Âu và trên toàn cầu. Nỗi lo ngại nguy cơ Nga tấn công quốc gia láng giềng khiến phương Tây không còn thời gian chú ý tới Thế vận hội.
Đối với nước chủ nhà Trung Quốc, cả hai sự kiện đều là những xao lãng không mong muốn vào thời điểm họ đang được nhận nhiều quan tâm nhất. Nhưng với mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh với Moskva, Trung Quốc không thể lên tiếng phàn nàn, giới quan sát đánh giá.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm thủ đô Trung Quốc vào đầu tháng này nhằm thể hiện tinh thần ủng hộ Olympic. Ông tham dự lễ khai mạc Thế vận hội, nơi vắng bóng hầu hết lãnh đạo phương Tây.
Và khi bê bối doping cùng cuộc khủng hoảng Ukraine gây xôn xao khắp thế giới, Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của chúng ở trong nước.
Hôm 15/2, mọi con mắt đều đổ dồn về Valieva khi cô bước lên sân băng. Mặc dù cô đã được Tòa án Trọng tài Thể thao cho phép tiếp tục thi đấu, kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm của Valieva vẫn phủ bóng lên sự kiện, khiến cô có khả năng không thể lên bục nhận huy chương nếu giành chiến thắng.
Nhưng khi các màn thi đấu được phát sóng trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), không một thông tin nào về bê bối doping được đề cập. Các bình luận viên giới thiệu Valieva đơn giản là "người giành chức vô địch châu Âu và vô địch Nga năm nay", sau đó khen ngợi cô.
"Bê bối doping đó là thứ duy nhất mà mọi người đang nói tới trong thế giới trượt băng và thể thao chính thống toàn cầu. Nhưng các kênh truyền hình Trung Quốc về cơ bản chỉ nói: 'Ồ, thật là một màn biểu diễn tuyệt vời'", Mark Dreyer, nhà sáng lập trang China Sports Insider, trụ sở ở Bắc Kinh, bình luận. "Sự việc không hoàn toàn bị che đậy, nhưng chắc chắn nó không gây nhiều chú ý ở Trung Quốc".
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin nhiều người hâm mộ trượt băng nghệ thuật Trung Quốc vẫn bảo vệ Valieva trước bê bối, "với một số ý kiến cho rằng đây chỉ là âm mưu của Mỹ nhằm bôi nhọ các vận động viên Nga". Tờ báo cũng dẫn lời các nhà phân tích nhận định Valieva nhận được ủng hộ ở Trung Quốc một phần là nhờ "mối quan hệ thân thiết" giữa nước này với Nga.
Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau khi quan hệ của họ với phương Tây ngày càng xấu đi. Trong chuyến thăm Moskva hồi năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Nga Putin là "người bạn tốt nhất".
Trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội, hai lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên sau hơn hai năm, cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Họ cũng cùng kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ bỏ "phương pháp tiếp cận mang tư tưởng Chiến tranh Lạnh" và ngừng các động thái mở rộng về phía đông.
Trước việc Nga điều quân tới gần biên giới Ukraine, NATO và các cường quốc phương Tây đã cảnh báo bất kỳ hành động tấn công nào của Moskva cũng sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Nga trong khi đó nhiều lần khẳng định chưa bao giờ có ý định xâm lược Ukraine, đồng thời tuyên bố trong tuần này rằng sẽ rút lực lượng khỏi biên giới. Nhưng Mỹ không thể hết hoài nghi và cáo buộc Nga không rút quân mà vẫn tăng thêm lực lượng tới biên giới.
Trong các tuyên bố công khai của mình, Bắc Kinh đã đứng về phía Moskva, bác bỏ những mối lo ngại về một cuộc xâm lược, cho rằng đây là một "chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch" của Mỹ.
"Những ngày qua, Mỹ không ngừng tung ra cảnh báo về chiến tranh và gây căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế, xã hội cũng như đời sống người dân Ukraine, đồng thời gây trở ngại cho đối thoại và đàm phán của các bên liên quan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo hôm 16/2.
"Việc một số người Mỹ và phương Tây liên tục kích động, lan truyền thông tin sai lệch như vậy chỉ làm tăng thêm hỗn loạn và bất ổn cho thế giới vốn đã đầy thách thức, đồng thời làm gia tăng ngờ vực và chia rẽ", ông cho biết thêm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra những lời bác bỏ tương tự, không làm đậm tin tức về cuộc khủng hoảng và trấn an những lo ngại về hành động quân sự của Nga đối với Ukraine.

Quân đội Nga diễn tập ở Kursk, gần biên giới Ukraine vào tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.
Dù Bắc Kinh dường như không tin một cuộc chiến tranh sắp nổ ra, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình trong suốt Thế vận hội. Hôm 16/2, Chủ tịch Trung Quốc đưa ra bình luận công khai đầu tiên về vấn đề Ukraine kể từ khi gặp Tổng thống Nga vào ngày 4/2. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
"Tất cả các bên liên quan nên bám sát định hướng chung là dàn xếp chính trị, sử dụng đầy đủ các nền tảng đa phương, trong đó có Bộ Tứ Normandy, đồng thời tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn", ông Tập nói. Bộ Tứ Normandy gồm Đức, Nga, Ukraine và Pháp là cơ chế được thành lập vào năm 2014 nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Thế vận hội Mùa đông sẽ kết thúc trong hai ngày nữa, nhưng căng thẳng đang diễn ra ở biên giới Ukraine sẽ cần nhiều thời gian hơn và nhiều cuộc đàm phán hơn nữa mới có thể được giải quyết.
Vũ Hoàng (Theo CNN)