"Chúng tôi đã và sẽ không công nhận bất kỳ mức giá trần nào. Chúng tôi đang triển khai các biện pháp để hệ thống giá trần không ảnh hưởng đến lợi ích của mình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ngày 7/3.
G7, EU và Australia áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga từ ngày 5/12/2022. EU từ ngày 5/2 tiếp tục áp giá trần 100 USD/thùng với các sản phẩm tinh chế cao cấp từ dầu Nga, như diesel. Với các sản phẩm khác, như dầu mazut, mức trần là 45 USD.
Theo ông Peskov, các mức giá trần này được thiết lập "khá lỏng lẻo". "Đó chỉ là góc nhìn của họ. Họ quyết định áp giá trần, nhưng có vẻ như không có hạn chế nào nếu chúng tôi tiếp tục giao dịch ở giá hiện tại", ông lý giải.
Ông Peskov đưa ra bình luận sau khi Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng Mỹ Amos Hochstein ngày 6/3 cho biết biện pháp áp giá trần đang "phát huy hiệu quả" và tuyên bố dầu cùng các sản phẩm từ dầu của Nga đang phải giao dịch dưới giá trần.
Phương Tây kỳ vọng áp trần giá dầu giúp hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin tháng 12 ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các nước áp giá trần dầu Nga từ tháng 2, gọi chính sách giá trần là "ngớ ngẩn".
Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu. Nước này bắt đầu giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, tương đương 5% tổng sản lượng, từ đầu tháng 3 để đáp trả biện pháp áp giá trần.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)