"Câu hỏi quan trọng là Mỹ có hưởng lợi từ việc đường ống Nord Stream bị phá hoại không", đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 30/9. "Câu trả lời hoàn toàn rõ ràng. Các nhà cung ứng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ nên ăn mừng việc gia tăng nguồn cung cho châu Âu".
Phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra theo đề nghị từ Nga, sau khi hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic xuất hiện 4 điểm rò rỉ, nghi do bị phá hoại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cáo buộc Mỹ và các đồng minh là thủ phạm gây ra các vụ rò rỉ. "Các lệnh trừng phạt là chưa đủ và họ chuyển sang phá hoại", ông Putin nói trong bài phát biểu sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2.
Mỹ bác bỏ cáo buộc, cho rằng Nga đang lan truyền "các giả thiết và thông tin sai lệch".
"Tôi xin nêu rõ, Mỹ phủ nhận mọi sự liên quan trong sự việc", Richard Mills, phó đại sứ Mỹ tại LHQ nói tại cuộc họp. Theo ông Mills, Mỹ đã tăng cường xuất khẩu LNG trong những năm gần đây bởi Nga không còn là một nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu.
Theo các quốc gia châu Âu, Nga là bên hưởng lợi từ sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng và đà tăng giá năng lượng. Nga ngày 28/9 cho rằng những cáo buộc nước này đứng sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là "ngớ ngẩn".
Thụy Điển ngày 26/9 thông báo về hai vị trí rò rỉ trên Nord Stream 1, một nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Đan Mạch, một trong EEZ Thụy Điển, cùng một vị trí rò rỉ trên Nord Stream 2 gần đảo Bornholm. Cảnh sát biển Thụy Điển hôm 29/9 phát hiện lỗ thủng thứ tư trên Nord Stream 2.
Giới chức Thụy Điển cho biết họ phát hiện hai vụ nổ dưới lòng biển trước khi Nord Stream 1 bị rò rỉ. Một nguồn tin quốc phòng Anh cho rằng đây là hành vi có tính toán trước, thủ phạm có thể dùng thủy lôi thả từ tàu hoặc thiết bị không người lái xuống gần đường ống rồi kích nổ.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều nhận định hai đường ống hư hại là do hành vi cố ý phá hoại, nhưng không nghi ngờ bên nào đứng sau. Nga nói họ muốn có một cuộc điều tra quốc tế kỹ lưỡng để đánh giá thiệt hại và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra về hành động "khủng bố quốc tế".
Sự việc làm gia tăng lo ngại về an toàn của các đường ống năng lượng khác ở châu Âu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/9 đã thảo luận về biện pháp bảo vệ các hạ tầng quan trọng sau khi Nord Stream nghi bị phá hoại, Nhà Trắng thông báo.
Vụ rò rỉ Nord Stream còn đe dọa đến khí hậu. Chương trình Môi trường LHQ cảnh báo đây có thể là đợt phát thải khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, lớn nhất từng được ghi nhận.
Sergei Kupriyanov, người phát ngôn tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nói khoảng 800 triệu m3 khí tự nhiên đã thoát ra ngoài, tương đương với ba tháng khí đốt cung cấp cho Đan Mạch.
Nord Stream 1 và 2 gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung.
Vào thời điểm phát hiện sự cố, hai đường ống đều không hoạt động nhưng đều chứa đầy khí đốt.
Như Tâm (Theo Reuters)