"Không ai có thể chuẩn bị trước cho áp lực trừng phạt điên cuồng như vậy. Các điều kiện bên ngoài đối với chúng ta đã vượt ra ngoài những kịch bản bi quan nhất", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 19/4 nói trước Duma Quốc gia, tức Hạ viện.
"Tuy nhiên, các chính sách cân bằng và vững chắc của những năm trước cùng kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng giúp chúng tôi ứng phó hiệu quả", bà Nabiullina khẳng định.
Theo bà Nabiullina, nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga chứng tỏ năng lực phục hồi trong thời kỳ khó khăn. Các doanh nghiệp và dân chúng thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh mới, nhà nước đưa ra những biện pháp hỗ trợ đầy đủ và nhanh chóng giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.
"Ngân hàng và các tổ chức khác trong lĩnh vực tài chính hoạt động ổn định, cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho đất nước", bà Nabiullina nói, đồng thời cho biết Ngân hàng Trung ương Nga theo đuổi chính sách duy trì ổn định tài chính và nhanh chóng bình ổn giá cả.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga để đáp trả. Các nước G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia tháng 12/2022 áp giá trần với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Truyền thông và nhiều quan chức phương Tây đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và gánh nặng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều người sau đó thừa nhận Nga đã tìm cách ứng phó thách thức từ lệnh trừng phạt và nền kinh tế nước này "không sụp đổ như phương Tây kỳ vọng".
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đánh giá nền kinh tế Nga hoạt động tốt hơn đáng kể so với dự báo, đồng thời điều chỉnh dự báo GDP Nga từ mức giảm 3,3% xuống còn 0,2%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga năm nay tăng trưởng 0,7%.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, RT)