"Thực tế là Ba Lan đã có những lời lẽ rất thù địch trong những tháng gần đây. Nước này không còn thân thiện từ lâu, nhưng gần đây càng trở nên thù địch. Và mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine có thể bắt nguồn từ Ba Lan. Đó là những sự thật hiển nhiên", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 6/5.
Hồi cuối tháng 4, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cáo buộc Ba Lan đang lên kế hoạch để kiểm soát một phần tây Ukraine. Trong quá khứ, Ba Lan từng kiểm soát một số vùng lãnh thổ hiện thuộc Ukraine. Miền tây Ukraine, bao gồm thành phố Lviv, đã được nhập vào Liên Xô hồi cuối Thế chiến II.
Khi được hỏi về phát ngôn của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko rằng trong một số trường hợp nhất định, Nga, Belarus và Ukraine có thể chiến đấu chống lại Ba Lan nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, ông Peskov từ chối bình luận về điều này.
Ba Lan, nước láng giềng ở phía tây của Ukraine, là bên dẫn đầu những lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng trừng phạt Moskva và kêu gọi NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Phát ngôn viên cơ quan an ninh Ba Lan Stanislaw Zaryn cáo buộc Nga đang tiến hành chiến dịch tung tin sai lệch chống lại Warsaw. "Các hành động của Nga nhằm tạo ra ngờ vực giữa Ba Lan và Ukraine cũng như bôi nhọ Ba Lan và thể hiện đây là quốc gia nguy hiểm kích động xung đột ở Đông Âu", Zaryn cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa cho biết rằng nước này "tự hào nằm trong danh sách các quốc gia không thân thiện với ông Putin".
Quan hệ giữa Moskva và Warsaw đang căng thẳng vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi tháng ba cảnh báo Ba Lan sẽ phải trả giá đắt vì "hội chứng bài Nga".
Ông Medvedev nhắc tới quyết định trước đó của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki về giảm phụ thuộc của nước này vào nguồn năng lượng Nga và cắt quan hệ kinh tế với Moskva để phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga và Ba Lan cũng trục xuất nhân viên ngoại giao của đối phương.
Ngọc Ánh (Theo TASS/Reuters)