Lực lượng Nga đầu tuần này phóng loạt tên lửa hành trình để phá hủy cây cầu nối liền khu vực tây nam Ukraine với Romania, cách xa tiền tuyến xung đột Nga - Ukraine hàng trăm km. Tên lửa đã bắn trúng cây cầu bắc qua cửa sông Dniester ở Biển Đen, gần thị trấn Bilhorod-Dnistrovsky, cách Kiev khoảng 450 km về phía tây nam.
Dù hầu như không được nhắc tới trong các báo cáo tình hình chiến trường gần đây của Nga, khu vực tây nam Ukraine được xem là vị trí chiến lược trong giai đoạn tác chiến mới của Điện Kremlin.
Sau khi rút quân khỏi Kiev và phía bắc Ukraine, Nga tuyên bố tập trung lực lượng "giải phóng" hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông nước này.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy Nga dường như đang nỗ lực kiểm soát hoàn toàn miền nam, tạo thành một hành lang trên bộ thông suốt từ Donbass tới Crimea và vùng ly khai Transnistria của Moldova, hướng tới một mục tiêu lớn hơn là khóa chặt đường ra Biển Azov và Biển Đen của Ukraine, nhằm biến nước này thành một quốc gia "không có biển", theo giới quan sát.
Tham vọng này được thể hiện qua tuyên bố cuối tuần trước của thiếu tướng Rustam Minnekayev, quyền tư lệnh quân khu trung tâm Nga. Tướng Minnekayev cho hay Nga có kế hoạch "toàn quyền kiểm soát Donbass và miền nam Ukraine", tạo hành lang "cho phép quân đội Nga tiếp cận Transnistria".
Transnistria là một dải đất hẹp với khoảng 400.000 dân, được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Moldova. Tuy nhiên, khu vực này trên thực tế là một khu tự trị đòi ly khai từ năm 1992. Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đóng quân tại Moldova từ đó đến nay.
Sau khi Nga kiểm soát gần như toàn bộ thành phố Mariupol ở đông nam Ukraine, hành lang trên bộ từ Donbass tới Crimea đã được thiết lập, khống chế hoàn toàn đường ra biển Azov của Kiev. Tuy nhiên, Ukraine vẫn kiểm soát khu vực duyên hải rộng lớn từ Mykolaiv tới Odessa ở tây nam, khiến lực lượng Nga chưa thể kết nối với Transnistria.
Tướng Minnekayev cho rằng có bằng chứng cho thấy dân số nói tiếng Nga ở Transnistria "bị đàn áp", tuyên bố có thể tạo cơ sở cho lực lượng Nga can thiệp vào vùng ly khai này trong tương lai.
Theo tướng Minnekayev, nếu Nga kiểm soát được khu vực khu vực tây nam Ukraine và kết nối với Transnistria, họ không chỉ tạo ra một hành lang trên bộ, mà còn phong tỏa các cảng chiến lược ở Biển Đen, nơi Ukraine dùng để xuất khẩu nông sản, kim loại, khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Aleksey Kushch, tuyên bố của Minnekayev cho thấy Nga muốn khóa chặt hoàn toàn đường ra Biển Đen của Ukraine, đồng thời tìm cách huy động sức mạnh từ cộng đồng người nói tiếng Nga ở vùng duyên hải tây nam nước này. Tuy nhiên, Kushch cho rằng mục tiêu này sẽ vấp nhiều trở ngại, khi người dân trong khu vực không hoàn toàn ủng hộ Nga.
Miền nam Ukraine là nơi đa sắc tộc, với người Do Thái, Hy Lạp, Bulgaria, Gagauz và Romania hải ngoại thích nói tiếng Nga. Nhưng các nhà quan sát cho rằng họ nói tiếng Nga không đồng nghĩa sẽ ủng hộ chiến dịch của Tổng thống Vladimir Putin.
"Ngôn ngữ này đã tách rời khỏi Moskva và không thuộc về Điện Kremlin", Ivar Dale, cố vấn chính sách cấp cao tại cơ quan giam sát nhân quyền Ủy ban Helsinki Na Uy, cho hay.
Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhận định khi phá hủy cây cầu gần thị trấn Bilhorod-Dnistrovsky, lực lượng Nga muốn tổ chức một chiến dịch đưa lính dù đổ bộ xuống Transnistria, từ đó làm bàn đạp để tấn công khu vực tây nam Ukraine.
Nhưng Anatoliy Lopata, cựu tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, cho rằng ngay cả khi đưa lính dù vào Transnistria, Nga cũng khó có thể thành công trong tham vọng khóa đường ra biển của Kiev. Ông cho rằng sau hai tháng giao tranh, lực lượng Nga đang gặp nhiều tổn thất về lực lượng, khí tài và chưa khắc phục được các vấn đề hậu cần, trong khi Ukraine tiếp tục nhận được hỗ trợ quân sự, tài chính và ngoại giao từ phương Tây.
Hồi đầu tháng 3, Nga tuyên bố "hoàn toàn" kiểm soát Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên giáp bán đảo Crimea, biến thành phố này thành bàn đạp để đưa quân tiến công thành phố Mykolaiv và Odessa gần đó, nhằm thông đường tới Transnistria.
Nhưng đà tiến của Nga ở Mykolaiv và Odessa không thuận lợi như ở Kherson. Để tiến được vào Mykolaiv, lực lượng Nga phải chiếm được thị trấn Chornobaivka, được ví như "nút thắt cổ chai" ở phía tây Kherson. Quân Nga đã tổ chức 17 đợt tiến công vào Chornobaivka, nhưng lần nào cũng vấp kháng cự quyết liệt từ Ukraine và phải rút lui.
Đầu tuần này, lực lượng Nga đã phải rút quân khỏi 5 thị trấn ở khu vực giữa Mykolaiv và Kherson, sau khi hứng chịu nhiều tổn thất.
Khoảng 20 tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen Nga đã phong tỏa bờ biển Odessa, nhưng nỗ lực đưa lực lượng đổ bộ vào khu vực này là quá mạo hiểm khi không có bộ binh yểm trợ.
"Nếu Nga không kiểm soát được Odessa, Ukraine sẽ khống chế toàn bộ khu vực ven Biển Đen và Biển Azov bằng các loại tên lửa mới do phương Tây cung cấp", Igor Strelkov, từng là người đứng đầu lực lượng quân sự ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, nói với News.ru hôm 22/4. "Không thể bảo vệ Crimea nếu không giải phóng được Odessa".
Các chuyên gia quân sự Nga cũng thừa nhận nỗ lực kiểm soát khu vực này ngày càng tăng khó khăn. "Odessa giống như khúc ruột thừa đầy đau đớn, nhưng tôi nghĩ Nga sẽ phải kiểm soát bằng được", tướng Nga về hưu Vladimir Shamanov nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo Nga sẽ đối mặt rất nhiều thách thức trong nỗ lực này. Để chiếm được Odessa, lực lượng Nga chỉ có thể áp dụng chiến thuật bao vây, pháo kích giống những gì đang diễn ra tại thành phố Mariupol.
"Lực lượng Nga mất gần hai tháng để vây hãm Mariupol, thành phố khoảng 400.000 dân", Elnar Baynazarov, bình luận viên kỳ cựu của Izvestia, cho hay. "Họ có thể mất 6-8 tháng để tấn công hai thành phố Odessa và Mykolaiv được phòng thủ tốt hơn. Giao tranh càng kéo dài, nền kinh tế Nga sẽ càng chịu tổn thất từ các lệnh trừng phạt của phương Tây".
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, WP)