"Thời khắc quyết định của các lãnh đạo châu Âu đã đến. Họ có hai cách để thoát khỏi tình thế do họ tự tạo ra", Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin viết trên Telegram hôm nay.
"Cách thứ nhất, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phi pháp nhằm vào Nga và khởi động Nord Stream 2. Cách thứ hai, giữ nguyên mọi thứ và chịu đựng hàng loạt rắc rối với nền kinh tế, khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn", ông Volodin nhấn mạnh.
Ông Volodin đưa ra bình luận trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng, sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga sang khu vực giảm đáng kể, do các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa hai bên liên quan việc Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ 24/2.
Nord Stream 2 là đường ống hoàn thành tháng 9/2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan, tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Berlin hoãn vô thời hạn cấp giấy phép cho dự án hôm 22/2.
Nord Stream 2 có chi phí khoảng 11 tỷ USD, trong đó tập đoàn năng lượng Nga Gazprom chịu một nửa, phần còn lại do các công ty Shell (Anh), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper và Wintershall (Đức) cùng đóng góp. Dự án có thể giúp Nga hạ giá khí đốt nhờ tiết kiệm được phí trung chuyển trả cho Ukraine, đáp ứng nhu cầu khí đốt giá rẻ ngày càng tăng của châu Âu.
Mỹ và các đồng minh châu Âu của Đức từ lâu phản đối đường ống này, lo ngại Nga có thể sử dụng dự án làm vũ khí địa chính trị và làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, lưu lượng khí đốt qua đường ống từ hồi tháng 7 chỉ còn tương đương 20% công suất, ở mức 33 triệu m3/ngày, với lý do phía Nga đưa ra là "vấn đề kỹ thuật". Nord Stream 1 đang tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng trong 3 ngày, dự kiến hoàn tất lúc 1h GMT (8h giờ Hà Nội) ngày 3/9.
Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt làm vũ khí kinh tế gây sức ép với phương Tây, nhưng Moskva bác bỏ. Điện Kremlin tuyên bố Nga sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ của mình về xuất khẩu khí đốt, nhưng các lệnh trừng phạt từ phương Tây đang cản trở quá trình bảo dưỡng và hoàn trả thiết bị, như với các tuabin của Nord Stream 1.
EU ngày 26/7 thông qua đề xuất tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023. Thỏa thuận có thể biến thành bắt buộc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng thực sự vào mùa đông. Chính phủ một số quốc gia đã tính đến kịch bản xấu nhất là phải phân bổ năng lượng theo định mức.