Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hệ tư tưởng Hiện đại của Trung Quốc được Viện Hàn lâm Khoa học Nga ra mắt vào tháng 6 tại Viện Trung Quốc và châu Á Đương đại (ICCA) ở thủ đô Moskva.
Đây là trung tâm nghiên cứu đầu tiên về học thuyết chính trị của lãnh đạo Trung Quốc, được gọi là tư tưởng Tập Cận Bình, bên ngoài lãnh thổ nước này, theo hãng thông tấn Xinhua.
Kirill Babaev, giám đốc ICCA, cho hay trung tâm được thành lập nhằm phân tích khách quan, chuyên sâu về các ý tưởng và khái niệm tạo nên nền tảng của nhà nước Trung Quốc hiện đại.
"Những phân tích như vậy sẽ giúp chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và khoa học Nga hiểu rõ hơn về Trung Quốc hiện đại, để xây dựng các chiến lược và dự báo chính xác hơn cho quan hệ Nga - Trung", ông nói.
Theo Babaev, trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu 5 lĩnh vực của hệ tư tưởng Trung Quốc hiện đại, gồm chính sách kinh tế, chính sách nội bộ và lập pháp, chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế, quốc phòng và an ninh cùng sinh thái và xã hội. Các chuyên gia về Trung Quốc hàng đầu của Nga từ những trung tâm nghiên cứu khác cũng sẽ tham gia.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng phòng thí nghiệm từ chối chấp nhận mọi khoản tài trợ bên ngoài và sẽ chỉ được tài trợ bởi viện của chúng tôi, nhằm đảm bảo công việc của nó không chịu bất kỳ áp lực ý thức hệ nào", ông cho biết thêm.
Trung Quốc là một trong những đồng minh chính của Nga, cả về kinh tế và địa chính trị. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin năm ngoái tuyên bố mối quan hệ giữa hai bên là "không giới hạn", vài tuần trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trung Quốc đến nay chưa bao giờ lên án việc Nga mở chiến dịch tại Ukraine, đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moskva. Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng liên tục được đẩy mạnh.
Li Lifan, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận định trung tâm nghiên cứu mới phản ánh thay đổi trong quan điểm của giới học thuật Nga về phương Tây và Trung Quốc.
"Cách tiếp cận hướng Đông ngày càng có ý nghĩa quan trọng", ông nói. "Trên thực tế, một số thành công của Trung Quốc, như xóa đói giảm nghèo hay những chính sách phát triển công nghiệp, đã được các đồng nghiệp Nga coi là tài liệu tham khảo hữu ích cho một số vấn đề nội bộ".
"Với việc những nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên về hệ tư tưởng Trung Quốc sẽ vào các học viện, viện nghiên cứu và cơ quan ra quyết định của Nga trong tương lai, điều này sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây", Li cho hay.
Trung Quốc đã mở ít nhất 18 viện nghiên cứu về học thuyết chính trị của ông Tập từ khi nó được ghi vào hiến pháp năm 2017.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)