"Thái tử William thăm Ba Lan hai ngày, mục đích là tri ân binh sĩ Anh và Ba Lan liên quan xung đột tại Ukraine", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 23/3 cho biết.
Theo bà Zakharova, điều này cho thấy Anh và Ba Lan là "các bên tham gia" xung đột Nga - Ukraine. "Liệu Thái tử William có mang theo đạn uranium nghèo cho binh sĩ Anh hay không?", bà Zakharova đặt câu hỏi.
Thái tử William ngày 22/3 có chuyến thăm Ba Lan không báo trước để thị sát nỗ lực phối hợp giữa quân đội nước này và Anh để hỗ trợ Ukraine. Sau khi thăm các binh sĩ Anh, Thái tử William gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Điện Kensington cho biết cuộc thảo luận giữa Thái tử William và Tổng thống Duda "chủ yếu xoay quanh xung đột Nga - Ukraine và tác động của nó đối với Ba Lan".
Đạn có thanh xuyên chứa uranium nghèo (DU) trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong những ngày gần đây, sau khi Anh thông báo sẽ chuyển loại đạn này cho Ukraine.
Anh tuyên bố DU là "một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan đến vũ khí hạt nhân", đồng thời khẳng định quân đội nước này "dùng DU chế tạo các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập kỷ".
Trong khi đó, Nga cảnh báo Ukraine tự hại mình nếu sử dụng đạn DU khiến đất canh tác bị ô nhiễm "hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ", gây hại cho người dân và làm kinh tế thiệt hại to lớn. Nga chỉ trích các nước thành viên NATO, đặc biệt là Anh, khi tỏ ra sẵn sàng cung cấp đạn chứa DU cho Ukraine dù biết tác hại.
Mỹ từng sử dụng đạn chứa DU trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn DU.
Theo quân đội Nga, số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước. Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự.
Việc dùng đạn chứa DU cũng tác động đến chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.
Bộ Cựu binh Mỹ cho biết DU phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.
Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Nguyễn Tiến (Theo Newsweek)