Trong một năm qua, giá dầu thế giới đã giảm hơn một nửa, chỉ còn ở mức hơn 50 USD/ thùng vào ngày 3/2. Đồng rúp dưới tác động của giá dầu và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng có mức giảm tương tự. Dầu mỏ và khí đốt được coi là động mạch chủ của nền kinh tế Nga, chiếm 50% ngân sách của nước này.
Moscow đã buộc phải dùng đến nguồn tiền dự trữ để ứng cứu nền kinh tế đang bên bờ khủng hoảng. Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu.
Ngày 28/1, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov công bố gói giải pháp ứng phó nguy cơ, với một loạt các biện pháp chiết trung, bao gồm cắt giảm 10% dự toán ngân sách. Tổng thống Putin cũng xuất hiện trong buổi thông báo trên, nhấn mạnh sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ chính sách tài chính của chính phủ, cũng như thúc đẩy cải cách toàn diện. "Chúng ta cần thay đổi kết cấu kinh tế của đất nước", RT dẫn lời ông chủ Điện Kremlin cho biết.
Tuy nhiên, giới tài phiệt nước này và các nhà quan sát cho rằng, cách giải quyết của Moscow trong cuộc khủng hoảng lần này sẽ tương tự như cuộc khủng hoảng giá dầu thế giới năm 2008.
"Họ đang mong mỏi giá dầu tăng, hy vọng chỉ cần điều chỉnh vừa phải, thì mọi rắc rối sẽ qua đi", New York Times dẫn lời Giáo sư kinh tế học Kenneth Rogoff thuộc Đại học Harvard cho biết. "Họ không hề có hứng thú trong việc tiến hành cải cách triệt để". Ông Rogoff từng là chuyên gia kinh tế hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Cùng chung nhận định trên, nhà tài phiệt Nga Alexander Lebedev cho hay, gói giải pháp của chính phủ sẽ không có nhiều tác dụng, chỉ lãng phí tiền để cứu các công ty làm ăn không hiệu quả.
Giới phân tích cũng cho rằng vấn đề mà Nga gặp phải nằm ở chỗ liệu lượng dự trữ ngoại tệ 385 tỷ USD của nước này có đủ để ứng phó với tình trạng trước mắt, cho đến khi giá dầu tăng cao trở lại hay không.
Giáo sư Rogoff phân tích rằng, khi một chính phủ đang phải vội ứng cứu các ngân hàng và tập đoàn nhà nước gặp khủng hoảng, thì thường đánh giá thấp tốc độ tiêu hao của lượng ngoại tệ dự trữ.
Trong các gói giải pháp mà chính phủ Nga đưa ra, Moscow đã sử dụng hơn 22 tỷ USD để hỗ trợ các ngân hàng và tập đoàn nhà nước lớn, trong đó bao gồm 8 tỷ USD lấy từ Quỹ Tài sản Quốc gia Nga, vốn chỉ được dùng vào mục đích ứng phó nguy cơ.
Các giải pháp trên được cho là nhằm bảo vệ người cao tuổi, nhóm dân số ủng hộ mạnh mẽ và quan trọng nhất với Tổng thống Putin. Hơn 2,7 tỷ USD được đổ vào quỹ hưu trí để đảm bảo phúc lợi không chịu ảnh hưởng từ tốc độ lạm phát 11,4 % trong năm 2014. Moscow cũng chi thêm 700 triệu USD để hỗ trợ người nông dân tăng sản lượng, sau khi Điện Kremlin ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ thị trường phương Tây.
Mặc dù đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, chính phủ Nga vẫn không muốn cắt giảm chi phí quân sự. Cuối năm 2014, Tổng thống Putin thậm chí còn ký một học thuyết quân sự mới, trong đó coi NATO và Mỹ là những mối đe doạ chính từ bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa, nếu các nước khác dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường chống lại Nga và các đồng minh.
"Ông Putin cho rằng giá dầu sẽ tăng trở lại trong 6 tháng sau. Ông ấy tin tưởng sâu sắc và điều này", Giáo sư Konstantin Remchukov, tổng biên tập báo Nezavisimaya của Nga, nhận đinh. "Nếu mọi việc không đổ vỡ, thì hai năm sau chúng tôi sẽ lại có cuộc sống như mơ".
Liệu giá dầu có tăng trở lại
Việc giá dầu có xu hương tăng trở lại trong những ngày qua khiến chính phủ Nga có lý do để tiếp tục các biện pháp ứng phó trước mắt. Giá dầu thế giới ngày 3/2 đạt mức 57,9 USD/ thùng, tăng gần 6% so với thời điểm cuối năm 2014.
Trong chuyến thăm Anh cùng ngày, ông Abdullah al-Badri, tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết: "Giá dầu đã ở ngưỡng 45-55 USD thùng và tôi cho rằng nó đã chạm đáy. Giá sẽ sớm tăng trở lại thôi". Thông thường, những nhận định kiểu này không đáng chú ý, nhưng lần này nó lại được quan tâm do xuất phát từ lãnh đạo cao nhất OPEC.
Theo Wall Street Journal, một số tập đoàn dầu khí lớn cho biết sẽ tính đến việc giảm đầu tư vào các dự án khai thác mới để tránh tình trạng liên tục lỗ vốn do giá dầu xuống thấp. Mặt khác việc giá dầu thành phẩm tăng do các cuộc bãi công tại một số nhà máy lọc dầu của Mỹ gần đây, cũng là động lực để nâng cao giá dầu thô.
Ông Nicholas Johnson, giám đóc Quỹ đầu tư Thái Bình Dương, cho rằng giá dầu năm 2015 sẽ tiếp tục tăng dù tốc độ còn chậm, có thể đạt mức 60 USD/ thùng vào thời điểm cuối năm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, sản lượng có thể sẽ giảm nhưng thị trường dầu thời gian sắp tới vẫn nằm trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Bởi từ góc độ vĩ mô, nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2015, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm, còn nền kinh tế châu Âu vẫn đang vật lộn trong khủng hoảng.
Mặt khác, lượng dầu dự trữ vẫn đang ở mức cao. Lượng dầu dự trữ của Mỹ hiện nay đạt mức cao nhất trong 84 năm qua. Viện nghiên cứu Dầu mỏ Mỹ nhận định rằng mức dự trữ này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
"Tình hình hiện nay không đủ để cho rằng giá dầu đã chạm đáy", chuyên gia kinh tế hàng đầu Walter Zimmermann của công ty tư vấn và môi giới năng lượng United-ICAP nhận định.
Chuyên gia này cho rằng việc giá dầu thời gian qua tăng trở lại chỉ là biểu hiện phản ứng ngược sau thời gian dài giảm giá, vì vậy giá dầu có thể sẽ chững lại ở mức độ hiện nay chứ không tiếp tục tăng thêm.
"Thị trường sẽ không lập tức chuyển từ giai đoạn vỡ bong bóng này sang giai đoạn hình thành một bong bóng khác", ông Zimmermann kết luận. "Vẫn còn quá sớm để các nhà sản xuất dầu thô mở rượu chúc mừng".
Đức Dương