Từ tháng 5 đến nay, giá dầu thế giới giảm 50%, tác động mạnh đến trật tự kinh tế, chính trị thế giới. Theo giới quan sát, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất từ cục diện hiện nay, trong khi các quốc gia đối địch với Washington như Nga, Venezuela và Iran đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế do tác động của giá dầu.
"Giá dầu giảm mạnh đang vật ngã các đối thủ chính của Mỹ", New York Times dẫn lời ông Edward Luttwak, cựu cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết. "Chúng tôi thậm chí còn không cần phải ra tay".
Việc giá dầu giảm từ 115 USD xuống còn hơn 60 USD/thùng đã ảnh hưởng tới các bước đi chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông chủ Điện Kremlin vốn hi vọng nền kinh tế Nga có thể dựa vào nguồn tài nguyên dầu khí để vượt qua khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nay, Moscow đang phải hứng chịu hai tầng áp lực. Hiện nay, hơn một nửa dự toán của chính phủ Nga là từ nguồn thu năng lượng.
Cựu bộ trưởng Tài chính Nga Aleksei Kudrin gần đây lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện mà nước Nga đang phải đối mặt. "Hôm nay, có thể nói rằng chúng ta đã hoặc đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Năm sau, chúng ta sẽ cảm nhận được toàn bộ uy lực của nó", ông phát biểu tại một hội nghị hôm 22/12.
Nền tảng chính trị quan trọng của Tổng thống Putin là lời cam kết về một nước Nga phồn vinh hơn, hùng mạnh hơn. Rất nhiều người dân ủng hộ Putin là bởi cho rằng ông đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tuy nhiên, nguy cơ trước mắt có thể sẽ làm xói mòn hình tượng trên.
Tại Venezuela, chính phủ nước này vốn hy vọng dựa vào nguồn thu dầu mỏ, tiếp tục chính sách từ thời cố tổng thống Hugo Chavez, xây dựng hình ảnh một đất nước chống "chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Nhưng nay, quốc gia Nam Mỹ này đang rất chật vật để duy trì các chương trình xã hội trong nước, càng không thể tiếp tục đường lối ngoại giao tài trợ hào phóng cho các nước đồng minh khác như Cuba.
Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc chặt chẽ vào dầu mỏ, chiếm tới 95% nguồn thu xuất khẩu. Giá dầu giảm mạnh khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đặc biệt khi tỷ lệ lạm phát lên đến 60%. Tình trạng thiếu thốn một số mặt hàng cơ bản làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng.
Theo một số chuyên gia, việc giá dầu giảm khiến tổn thất của chính phủ Iran lên đến một tỷ USD mỗi tháng. Tình trạng khó khăn hiện nay buộc Teheran đưa ra chính sách cho phép thanh niên nước này dùng tiền để thay cho nghĩa vụ quân sự hai năm bắt buộc. "Chúng tôi đang đứng trước thềm một cuộc khủng hoảng trầm trọng", nhà kinh tế Iran Hossein Raghfar trả lời phỏng vấn báo Etemaad cho biết. "Chính phủ hiện nay rất thiếu tiền".
"Ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua một lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn với Iran, hiệu quả cũng chỉ đến thế mà thôi", chuyên gia Luttwak bình luận. Teheran đang xem xét việc thỏa hiệp với phương Tây về chương trình hạt nhân, nhằm giải quyết nguy cơ trước mắt.
Theo đánh giá của cựu ngoại trưởng Jordan Marwan Muasher, tình trạng trước mắt sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, đặc biệt trên vấn đề Syria. "Nga và Iran sẽ khó có thể tiếp tục ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự và ngoại giao", chính trị gia này nói.
Một phần nguyên nhân khiến Cuba gần đây đồng ý bình thường hóa quan hệ với Mỹ được cho là bởi tác động tiêu cực từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh đến nền kinh tế của các nước tài trợ chính của Havana.
"Cuba cần gấp nguồn ngoại tệ mạnh, trong khi Nga và Iran đang chịu các lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc lại là một đối tác cứng rắn", AP dẫn lời ông Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, bình luận. "Vì vậy, họ muốn nhanh chóng mở vòi nguồn cung ngoại tệ mới là Mỹ".
Nghi ngờ Mỹ thao túng giá dầu
Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Putin quy kết trách nhiệm cho Mỹ và đồng minh trước những khó khăn kinh tế mà Nga phải đối diện hiện nay. Moscow tin rằng Washington và Arab Saudi thông đồng với nhau, cố tình thao túng giá dầu.
"Trước đây, Washington cũng từng yêu cầu Arab Saudi tăng sản lượng dầu mỏ để hạ thấp giá, nhằm làm cạn kiệt nguồn thu tài chính của Moscow, từ đó dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô", một cựu quan chức tình báo KGB có quan hệ mật thiết với Putin cho biết.
Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi, ông Ali Al-Naimi, gần đây cho hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định vẫn sẽ duy trì sản lượng 30 triệu thùng/ ngày, nhằm duy trì thị phần. "Giá dầu có giảm xuống 20 USD, 30 USD, 40 USD, 50 USD hay 60 USD, thì cũng không quan trọng", quan chức này tuyên bố.
Việc Mỹ tăng cường sản lượng dầu đá phiến khiến nguồn cung dầu thô đang vượt cầu, trong khi OPEC vẫn giữ sản lượng ở mức cao, cũng là nhân tố tác động mạnh đến giá dầu thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố những tiến bộ công nghệ đã giúp nước này có thể khai thác dầu đá phiến hiệu quả cao với chi phí thấp hơn trong thời gian ngắn, điều mà trước đây còn là một khó khăn đối với ngành công nghiệp này.
Căn cứ theo số liệu của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu đá phiến tăng đã bù vào sự sụt giảm sản lượng của dầu mỏ truyền thống, khiến sản lượng dầu thô trung bình một ngày của Mỹ tăng từ 5 triệu thùng năm 2008 lên đến 9 triệu thùng hiện nay. Mức tăng này chỉ thấp hơn Arab Saudi, quốc gia đứng đầu OPEC, nhưng vượt xa Iraq và Iran, tạo động lực cho giá dầu thế giới giảm.
"Nói tóm lại, giá dầu giảm là việc có lợi cho Mỹ, bởi ba trong bốn đối thủ của chúng ta đang phải chịu sức ép lớn. Dư địa chiến lược của họ đã bị thu nhỏ hơn rất nhiều", ông Edward Luttwak kết luận.
Đức Dương