Khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như tin rằng một phương Tây bị chia rẽ và suy yếu không có đủ khả năng đối đầu với Moskva. Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng chiến sự, nhận định này dường như đã sai, theo giới quan sát.
Sự đoàn kết và quyết tâm đáp trả Nga của Mỹ và đồng minh phương Tây đã khiến không chỉ Moskva mà còn nhiều người ở Brussels, London và Washington ngạc nhiên. Các nước phương Tây đã áp các lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga, gửi lượng lớn vũ khí đến Ukraine và sự hỗ trợ đó chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nga đã đáp trả bằng cách giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. "Khi mùa đông chỉ còn cách vài tháng, ông Putin đặt cược rằng áp lực thiếu khí đốt sẽ khiến châu Âu hứng chịu đau đớn và cuối cùng phá vỡ ý chí của phương Tây", James Lindsay, phó chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng quyết tâm đáp trả ban đầu của phương Tây với chiến dịch quân sự Nga từng chịu thử thách do áp lực từ nguồn cung năng lượng, khiến các lãnh đạo Kiev hồi mùa hè đã cảnh báo về "tâm lý mệt mỏi với Ukraine" tại châu Âu.
Hồi tháng 6, cựu quan chức Lầu Năm Góc Andrew Exum tuyên bố "sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine đã lên tới đỉnh điểm". Một tháng sau, nhà báo Mỹ Fareed Zakaria cảnh báo chiến lược của phương Tây có nguy cơ thất bại vì "những ngôi nhà ở châu Âu có thể không đủ khí đốt để sưởi ấm" trong mùa đông tới.
Theo giới quan sát, năng lượng, đặc biệt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, là một trong những đòn bẩy chính của Nga để chia rẽ phương Tây. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu 40% lượng khí đốt tiêu thụ từ Nga, trong đó Đức phụ thuộc gần 65%. Con số này thậm chí còn cao hơn ở nhiều quốc gia Trung và Đông Âu.
Nga đã dừng vô thời hạn dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1, đường ống cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức, với lý do khắc phục sự cố kỹ thuật. Moskva cũng tuyên bố cắt hoàn toàn nguồn cung cho Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Latvia, Hà Lan và Ba Lan.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 10 lần kể từ năm ngoái và giá điện cũng tăng vọt. Các nước EU gặp nhiều khó khăn trong việc tìm giải pháp thay thế năng lượng Nga, trong khi các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khí đốt có nguy cơ đối mặt khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II vào mùa đông này.
Lãnh đạo Nga dường như dự tính rằng khi giá năng lượng tăng vọt và châu Âu co ro trong giá lạnh, người dân khắp châu lục sẽ phẫn nộ và thúc ép chính phủ tìm cách nối lại nguồn cung khí đốt từ Moskva.
Các nước châu Âu đã đề ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa nguy cơ này, như cam kết trợ cấp cho người dân, đồng thời chạy đua khắp nơi để tìm nguồn cung mới thay thế khí đốt Nga và bảo vệ nguồn dự trữ hiện có.
Đức hiện lấp đầy 85% các kho dự trữ khí đốt, trong khi tỷ lệ này của Pháp là 92%. Các chính phủ cũng đang chạy đua bảo vệ người dân trước cú sốc về giá cả, trong đó Anh cung cấp gói hỗ trợ hơn 170 tỷ USD, Đức ban hành khoảng 65 tỷ USD hỗ trợ người tiêu dùng và Pháp giới hạn tăng giá năng lượng ở mức 4% trong năm nay.
"Đây là những khoản tiền khổng lồ, cho thấy quyết tâm của các chính phủ nhằm ngăn người dân phản đối nỗ lực hỗ trợ Ukraine", nhà phân tích Lindsay nói.
Trong khi đó, Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine. Một khảo sát gần đây của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago chỉ ra hơn 70% người Mỹ nhất trí với các khoản hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.
Thái độ của Mỹ được coi là động lực giúp tăng ủng hộ Ukraine ở phương Tây. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Đức cũng rất quan trọng, Ivo Daalder, chủ tịch Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, Mỹ, đánh giá.
Đức từ lâu tin rằng nền hòa bình của châu Âu cần đi kèm đối thoại, hợp tác và giao thương với Nga. Tuy nhiên, quan điểm này không còn nữa. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã từ bỏ ý tưởng phải bắt tay để tránh xung đột với Nga. Nước này cũng chạy đua để dần từ bỏ khí đốt Nga và nhất trí ngừng nhập khẩu than, dầu của Moskva trong năm nay.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock tuyên bố Berlin "sẽ sát cánh cùng Ukraine tới cùng" và hỗ trợ vũ khí, tài chính và nhân đạo cho nước này. Một cuộc thăm dò vào tháng 7 cho thấy 70% người Đức muốn chính phủ ủng hộ Ukraine, dù gần một nửa trong số đó cho rằng các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại cho Đức nhiều hơn Nga.
Tại Italy, phe bảo thủ đã giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 25/9 và Thủ tướng tiếp theo của Italy nhiều khả năng là Giorgia Meloni, ứng viên cực hữu có quan điểm ủng hộ lập trường của phương Tây với Nga. Hồi tháng 8, bà Meloni từng kêu gọi Hạ viện Italy ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Bà Meloni từng nói "nếu Ukraine và phương Tây thua, cái giá mà những người châu Âu sẽ phải trả rất cao, khi những năm gần đây không đầu tư đủ vào an ninh, cả về năng lượng và quân sự".
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Putin đã đánh giá thấp sức mạnh và tinh thần đoàn kết của châu Âu, đồng thời dự đoán sức ép trừng phạt của phương Tây với Nga sẽ không thay đổi khi mùa đông đến.
"Mùa đông cuối cùng cũng sẽ kết thúc và đòn bẩy của ông Putin sẽ mất sức nặng. Đa số nước ở châu Âu và Bắc Mỹ hiểu rằng an ninh và tự do của họ phụ thuộc vào nỗ lực ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến. Đó là lý do phương Tây sẽ không lay chuyển trước áp lực từ Nga", Lindsay nhận định.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)