"Nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream hiện chỉ có thể đạt mức 100 triệu mét khối mỗi ngày", Gazprom thông báo trên Telegram hôm nay, thêm rằng lưu lượng bình thường của đường ống là 167 mét khối.
Tập đoàn năng lượng Nga cho biết do công ty Siemens của Đức chậm trễ bàn giao các bộ phận máy nén được sửa chữa, hiện chỉ có ba hệ thống bơm khí đốt hoạt động tại trạm nén khí Portovaya, gần thành phố Vyborg, phía tây bắc Nga.
Chính phủ Đức và tập đoàn Siemens chưa bình luận về thông tin này.
Giống nhiều công ty phương Tây, tập đoàn Siemens của Đức đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Moskva cũng mất một số khách hàng khí đốt ở châu Âu sau khi yêu cầu những nước "không thân thiện" phải thanh toán các lô hàng bằng đồng ruble, động thái đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan trước đó đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Đường ống Nord Stream được đưa vào vận hành vào năm 2012 để vận chuyển khí đốt từ tây bắc nước Nga tới Đức qua Biển Baltic. Dự án đường ống Nord Stream 2, nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tới Đức, đã bị đình chỉ như biện pháp trừng phạt của Berlin với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các nước Liên minh châu Âu đang chạy đua để giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, nhưng lại chia rẽ về việc áp lệnh cấm vận khí đốt, bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Thanh Tâm (Theo AFP)