Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo nước này có thể phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia thỏa thuận về lực lượng tên lửa tầm xa tại châu Âu, một phần trong những bảo đảm an ninh mà Moskva đang theo đuổi nhằm giảm căng thẳng xoay quanh Ukraine.
"Không có tiến triển về giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ buộc Nga đáp trả bằng biện pháp quân sự. Đó sẽ là một cuộc đối đầu", ông nói.
Thứ trưởng Ryabkov so sánh căng thẳng hiện nay với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự kiện đẩy Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân. Ông nhấn mạnh "có những dấu hiệu gián tiếp" cho thấy NATO đang thúc đẩy tái triển khai tên lửa tầm xa tại châu Âu, bao gồm khôi phục hoạt động Bộ chỉ huy Pháo binh số 56 từng vận hành tên lửa hạt nhân Pershing thời Chiến tranh Lạnh.
NATO từng khẳng định Mỹ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó Nga bằng những biện pháp chỉ sử dụng vũ khí thông thường.
Dù vậy, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng Nga "hoàn toàn thiếu niềm tin" vào liên minh quân sự này. "Họ không cho phép bản thân làm điều gì đó giúp bảo đảm an ninh cho Nga. Họ tin rằng có thể hành động theo yêu cầu và lợi thế của mình và chúng tôi phải chấp nhận điều đó. Chuyện này sẽ không được tiếp diễn", ông nói.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 cấm hai bên triển khai tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km tại châu Âu. Washington rút khỏi thỏa thuận năm 2019 sau khi cáo buộc Moskva vi phạm điều khoản bằng cách phát triển tên lửa hành trình 9M729.
Một số chuyên gia cho rằng động thái triển khai tên lửa ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga, nằm phía tây dãy núi Ural, có thể là lời cảnh báo của Moskva và tín hiệu cuối cùng cho thấy NATO nên đối thoại về thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.
Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine đang leo thang. Kiev cùng Washington và các đồng minh nhiều tuần qua cáo buộc Moskva tập trung hơn 100.000 quân dọc biên giới và lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Ukraine.
Nga mô tả cáo buộc của phương Tây là "cuồng loạn", nói rằng Mỹ cùng các đồng minh đang có hành động khiêu khích, đặc biệt với các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen. Moskva khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Vũ Anh (Theo Reuters)