"Nếu NATO cung cấp các hệ thống Patriot và đưa kíp vận hành đến Ukraine như Tổng thư ký Jens Stoltenberg ám chỉ, họ sẽ lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp cho lực lượng vũ trang của chúng tôi", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 29/11.
"Tôi hy vọng lãnh đạo NATO hiểu rõ điều này", ông cho biết thêm.
Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thư ký Stoltenberg nói rằng NATO đang thảo luận vấn đề cung cấp hệ thống phòng không tầm xa Patriot cho Ukraine.
Phát ngôn viên chính phủ Đức Christiane Hoffmann ngày 25/11 thông báo nước này "đang thảo luận với các đồng minh về cách xử lý đề xuất của Ba Lan", đề cập tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak rằng Đức nên đưa các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine.
"Tất cả khả năng đang được cân nhắc. Patriot là một trong số đó", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm 29/11, khi được hỏi liệu nước này có lên kế hoạch gửi tổ hợp Patriot tới Ukraine hay không.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cùng ngày khẳng định Washington chưa có kế hoạch cung cấp tên lửa Patriot cho Kiev. Một trong những thách thức khi gửi tên lửa Patriot hoặc các vũ khí tiên tiến tới Ukraine là chúng có quy trình bảo trì và huấn luyện phức tạp. "Không thể đưa chúng ra chiến trường và bắt đầu sử dụng ngay lập tức", ông cho biết.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và đưa vào biên chế từ năm 1981. Nhiều quốc gia đang sử dụng biến thể MIM-104C, còn gọi là PAC-2, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km và bay cao hơn 32 km.
Phiên bản MIM-104F, tên khác là Patriot PAC-3, được nâng cấp toàn diện và có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)