Suốt nhiều năm qua, các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhất trí không đề cập đến tình trạng của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, vốn là tâm điểm trong quan hệ căng thẳng song phương hàng thập kỷ, nhằm tránh kích động tâm lý dân tộc từ cả hai phía.
Nhưng điều này đột ngột thay đổi vào mùa xuân năm nay, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bất ngờ tuyên bố Nagorno-Karabakh là "lãnh thổ không thể chối cãi của Armenia".
Với người Azerbaijan, quốc gia đã chịu thất bại đắng cay trong cuộc chiến tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh với Armenia trong thập niên 1900, tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan thành mồi lửa thổi bùng cơn giận trong lòng họ, biên tập viên Carlotta Gall của New York Times nhận định.
Lửa giận thậm chí còn lớn hơn khi tuyên bố trên được Pashinyan đưa ra tại thành phố Shusha ở Nagorno-Karabakh, vốn được công nhận là thuộc về Azerbaijan song do lực lượng Armenia kiểm soát. Người Azerbaijan coi Shusha là thủ đô văn hóa của mình.
"Tuyên bố của Pashinyan như chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài của tiến trình đàm phán", Hikmet Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, cho biết.
Lửa giận sôi sục ở Azerbaijan đã khiến "thùng thuốc súng" Nagorno-Karabakh phát nổ vào ngày 27/9, khi hai nước quay lại giao tranh quy mô lớn. Azerbaijan lần này quyết tâm giành lại khu vực chiếm khoảng 13% diện tích lãnh thổ bị Armenia kiểm soát từ 26 năm trước. Xung đột giữa hai nước có nguy cơ kéo theo sự can dự của các cường quốc khu vực, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan và Nga, vốn ủng hộ Armenia.
Thương vong trong cuộc xung đột lên tới hàng nghìn người, nhưng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chưa có dấu hiệu dừng lại khi quân đội nước này giành được nhiều lợi thế trước đối phương. Cả đất nước Azerbaijan đang trong khí thế "chiến trận" hừng hực.
Lần lượt Nga, Nhóm Minsk, rồi đến Mỹ đứng ra làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa hai nước. Nhưng cả ba nỗ lực tháo ngòi nổ này đều sụp đổ chỉ vài phút sau khi có hiệu lực, các bên tham chiến lại nã pháo vào nhau.
Tổng thống Azerbaijan yêu cầu các lực lượng Armenia rút khỏi Nagorno-Karabakh, về sau đường biên giới được quốc tế công nhận để tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng những nguyên tắc cơ bản được đồng ý trước đó.
Những điều khoản này đã được hai bên nhất trí từ 10 năm trước, song chưa bao giờ được thực hiện. Giới chuyên gia nhận định Armenia gần như đã công khai tính toán của mình khi tuyên bố chủ quyền với Nagorno-Karabakh và khu vực lân cận mà họ giành quyền kiểm soát từ cuộc chiến 1988-1994.
Tổng thống Aliyev trong một cuộc phỏng vấn cho biết Azerbaijan hy vọng việc giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh sẽ đạt tiến triển khi Thủ tướng Pashinyan lên nắm quyền năm 2018. Tại cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai lãnh đạo, Thủ tướng Pashinyan đề nghị Tổng thống Aliyev cho thêm thời gian, nhưng hứa sẽ theo đuổi chính sách mới về Nagorno-Karabakh.
Chính sách đó không bao giờ xuất hiện. Căng thẳng quanh Nagorno-Karabakh leo thang trong năm nay, khi Thủ tướng Pashinyan cùng Bộ trưởng Quốc phòng David Tonoyan thông báo kế hoạch biến Shusha thành thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh và chuyển cơ quan lập pháp về đây hồi tháng 8. Những động thái này được nhận định là tính toán sai lầm của Armenia.
Jirair Libaridian, nhà sử học mang hai quốc tịch Mỹ và Armenia, nhận định rằng người Armenia "bị ám ảnh bởi việc biến giấc mơ thành hiện thực, thay vì tập trung vào những điều khả dĩ".
Nhiều chuyên gia cho rằng Azerbaijan chính là bên thúc đẩy cuộc chiến dữ dội đang diễn ra tại Nagorno-Karabakh khi tuyên bố họ chuẩn bị phát động chiến dịch tổng tấn công, song chính tuyên bố mang tính dân túy của Thủ tướng Armenia mới là mồi lửa châm ngòi cho xung đột.
"Theo logic, Azerbaijan mới là bên muốn bắt đầu cuộc chiến, không phải là Armenia, bên vốn muốn giữ nguyên hiện trạng", Thomas de Waal, chuyên gia thuộc Viện Carnegie Europe, nói. "Nhưng người Armenia cũng phải chịu trách nhiệm vì những động thái khiêu khích của họ".
Giới chức Armenia cáo buộc Azerbaijan tổ chức chiến dịch tấn công quy mô lớn và khởi xướng các cuộc đụng độ dẫn đến chiến tranh tổng lực, đồng thời tuyên bố họ "đang tự vệ".
Nga đóng vai trò quan trọng đối với Armenia, từng hỗ trợ nước này trong cuộc chiến 1988-1994 và đang duy trì hai căn cứ tại Armenia, cung cấp hỗ trợ và thiết bị quân sự cho nước này.
Từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực năm 2009, lãnh đạo Armenia và Azerbaijan hành động thận trọng và tin rằng việc duy trì hiện trạng sẽ an toàn hơn về mặt chính trị so với nguy cơ phải nhượng bộ lãnh thổ nếu đàm phán hòa bình, theo chuyên gia de Waal.
Từ khi nhậm chức năm 2003, Tổng thống Azerbaijan Aliyev đã tận dụng nguồn thu từ dầu khí để củng cố quân đội, mua sắm khí tài tiên tiến và cử các sĩ quan tham gia đào tạo theo chuẩn NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực này mang lại kết quả trong cuộc giao tranh năm 2016, khi quân đội Azerbaijan chiếm được một ngôi làng nằm trên đường phân định chỉ sau 4 ngày giao tranh. Tuy nghiên, Nga ngay sau đó đã can thiệp để ngăn đà tiến quân của Azerbaijan, Farid Shafiyev, giám đốc Trung tâm Phân tích Quan hệ Quốc tế đặt trụ sở tại Baku, cho biết.
Shafiyev nói khi đó cả đất nước Azerbaijan đã tỏ ra rất thất vọng. Phản ứng này lặp lại khi Nga đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn hôm 10/10, khi giao tranh bước sang tuần thứ hai. "Mọi người rất chán nản", Shafiyev nói.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giao tranh hiện nay là vụ đụng độ chết người hồi tháng 7 gần thị trấn biên giới Tovuz, nơi đường ống dẫn dầu và khí đốt quan trọng của Azerbaijan chạy tới Gruzia rồi sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh sĩ Armenia khi đó đã nổ súng nhằm vào một xe quân sự của Azerbaijan, châm ngòi cuộc đấu súng xuyên biên giới dữ dội, khiến hơn một chục người thiệt mạng, trong đó có thiếu tướng Azerbaijan Polad Hashimov.
Cái chết của tướng Hashimov khiến dân Azerbaijan nổi giận, một cuộc biểu tình nhỏ nhanh chóng lan rộng thành cuộc tuần hành với hàng nghìn người tại thủ đô Baku, kêu gọi giành lại Nagorno-Karabakh.
"Chuỗi sự kiện tháng 7 tạo ra làn sóng chấn động", cố vấn của tổng thống Azerbaijan Hajiyev nói. "Dư luận và giới trẻ Azerbaijan phát đi thông điệp 'đã quá đủ rồi'".
Khadija Izmayilova, nhà báo người Azerbaijan, cho biết nỗi thất vọng vì Covid-19 và tình trạng thiếu nước trầm trọng gây thêm áp lực cho giới chức nước này. "Tổng thống Aliyev rõ ràng nhận ra rằng thái độ của công chúng tới điểm bùng nổ và đã tới lúc hành động", Izmayilova cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi vụ đấu súng tại Tovuz là mối đe dọa chiến lược với Azerbaijan, lập tức điều tiêm kích F-16 cùng binh sĩ tới tham gia tập trận chung với quân đội nước này trong hai tuần.
Giới chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ coi động thái của Erdogan là một cách để tăng đòn bẩy trong đàm phán với Nga. Động thái bảo vệ đồng minh Azerbaijan, nước đang dần thay thế Nga trong cung ứng khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, vô cùng quan trọng với Erdogan.
"Thật không đúng khi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ xúi giục xung đột", chuyên gia Shafiyev cho biết, song khẳng định Ankara đã hứa sẽ hỗ trợ tích cực nếu Baku gặp khó khăn.
Đến tháng 8, giới chức Azerbaijan tuyên bố quân đội nước này bắt một số binh sĩ Armenia xâm phạm biên giới. "Chúng tôi hiểu có điều gì đó sắp xảy ra", Hajiyev nói.
Sau nhiều năm diễn ra các trận đấu pháo lẻ tẻ, cả hai bên đều đã sẵn sàng cho những trận đụng độ quy mô lớn, đặc biệt vào tháng 9. Người dân trong các ngôi làng của Azerbaijan nằm cạnh đường phân giới, gần thị trấn Terter, được quân đội nước này cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hôm 26/9. Những người có ô tô rời làng đi tản cư ngay trong đêm. Đến sáng 27/9, những người ở lại trong làng bắt đầu chứng kiến hàng loạt rocket của Armenia rơi xuống.
"Chúng tôi thỉnh thoảng nghe thấy tiếng đạn pháo, nhưng lần này hoàn toàn khác", Gulbeniz Badalova, 59 tuổi, sống ở Terter, cho biết. "Họ bắt đầu khai hỏa liên tục, khiến tất cả chúng tôi đều sợ hãi".
Azerbaijan nhanh chóng đáp trả và tuyên bố đang bảo vệ dân thường của mình. "Họ bắt đầu tấn công dân thường và chúng tôi buộc phải phản công", Hajiyev nói. Tuy nhiên, một số quan chức Azerbaijan thừa nhận họ chỉ chờ có cớ để phát động một cuộc tấn công.
Quân đội Azerbaijan chiếm lại một số phần của bốn huyện dọc theo biên giới với Iran và tiến nhanh trên hành lang Lachin, con đèo nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng từ Armenia. Tuy nhiên, binh sĩ Azerbaijan từ đây bắt đầu gặp khó khăn trong chiến dịch của mình.
Azerbaijan chưa công bố số binh sĩ thương vong, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/10 cho biết mỗi bên tham chiến mất hơn 2.000 binh sĩ trong chưa đầy một tháng giao tranh. Các trận tập kích tên lửa và rocket khiến ít nhất 65 dân thường Azerbaijan thiệt mạng, còn Armenia là 37.
Công chúng Azerbaijan vẫn ủng hộ Tổng thống Aliyev và chiến dịch của quân đội nước này. Tuy nhiên, Aliyev có thể đối mặt thách thức khi theo đuổi mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh.
Nhiều gia đình sống tại Terter phải tản cư vì pháo kích vốn là dân Nagorno-Karabakh chạy tới đây tị nạn, họ cho biết sẽ không hài lòng nếu Tổng thống Aliyev chấm dứt chiến dịch sau khi chỉ giành lại được vài huyện.
"Vẫn chưa đủ", Zarifa Suleymanova, một người sống tại Terter, cho biết và liệt kê những khu vực Azerbaijan cần giành lại. "Chúng tôi có những người con anh dũng, điều này sẽ không mất nhiều thời gian".
Nguyễn Tiến (Theo NYTimes)