Truyền thông Nga hôm nay công bố video vận tải cơ Il-76 đưa nhóm chuyên gia quân sự và nhiều thiết bị đến thủ đô Niamey của Niger.
"Chúng tôi có mặt tại đây để xây dựng quan hệ, cũng như huấn luyện và diễn tập hiệp đồng với lực lượng vũ trang Niger. Quân đội Nga có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố và sẽ chia sẻ với những người bạn Niger", một quân nhân Nga trong đoàn cho hay.
Đài phát thanh truyền hình quốc gia Niger RTN cùng ngày thông báo Nga đã đồng ý triển khai hệ thống phòng không tại quốc gia châu phi, nhấn mạnh điều này sẽ giúp không phận Niger "được bảo vệ tốt hơn". Chưa rõ Nga sẽ điều động tổ hợp nào đến Niger.
RTN cũng đề cập cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với lãnh đạo chính quyền quân sự Niger hồi tháng 3, trong đó hai bên thống nhất tăng cường hợp tác về nhiều mặt.
Quân đội Niger tháng 7/2023 đảo chính và lật đổ cựu tổng thống Mohamed Bazoum, đồng minh của phương Tây. Chính quyền quân sự Niger đã gây sức ép để buộc 1.500 lính Pháp đồn trú ở nước này rời đi, cho rằng họ đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng phiến quân liên tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu những năm qua.
Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, ngày 16/3 cho biết nước này quyết định hủy bỏ "ngay lập tức" thỏa thuận cho phép quân nhân và nhân viên dân sự Lầu Năm Góc hoạt động tại Niger. Họ cũng ra lệnh cho 1.100 quân nhân Mỹ đồn trú tại Niger phải rời khỏi nước này.
Niger được coi là một trong những quốc gia cuối cùng mà phương Tây có thể hợp tác để đẩy lùi các nhóm phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel, dải đất rộng hơn 3 triệu km2 kéo dài từ bờ biển phía tây đến phía đông châu Phi. Mỹ cùng các đồng minh đã chi hàng trăm triệu USD để viện trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Niger, đồng thời duy trì lực lượng đồn trú tại đây suốt nhiều năm qua.
Quyết định của Niger đã "dội gáo nước lạnh" vào lợi ích và tính toán chiến lược của Mỹ ở châu Phi, nối tiếp xu hướng đã diễn ra ở nhiều quốc gia khu vực gần đây, khi họ trở nên lạnh nhạt với Mỹ và quay sang tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia có hiện diện và lợi ích ngày càng tăng ở đây.
Mali và Burkiana Faso, hai quốc gia láng giềng của Niger, đã trải qua đảo chính quân sự từ năm 2020 và tìm đến Nga để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ an ninh. Chính quyền quân sự Niger cũng đang duy trì quan hệ khăng khít với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Reuters)