"Chúng tôi sẽ quyết định các bước đi tiếp theo dựa trên cách phản hồi của Armenia", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói ngày 5/9.
Bà Zakharova đưa ra bình luận sau khi chính phủ Armenia ngày 1/9 trình Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) lên quốc hội nước này để phê duyệt. Nếu quy chế được quốc hội thông qua, Armenia sẽ trở thành thành viên ICC và có nghĩa vụ thực thi các quyết định do tòa án này ban hành.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moskva tháng 2/2022. Ảnh: Reuters
Chính quyền Thủ tướng Nikol Pashinyan năm 2022 cho biết Armenia muốn tham gia Quy chế Rome bởi động thái có thể cho phép nước này buộc Azerbaijan phải chịu trách nhiệm, liên quan xung đột quân sự giữa hai nước năm 2020.
Armenia ký tham gia Quy chế Rome từ năm 1999 nhưng chưa thông qua. Năm 2004, Tòa án Hiến pháp Armenia phán quyết Quy chế Rome vi hiến. Tuy nhiên, Armenia sau đó sửa đổi hiến pháp, mở đường cho quá trình phê duyệt Quy chế Rome tại quốc hội.
Nga khi đó phản đối, gọi đây là động thái "không thể chấp nhận được". Moskva còn cảnh báo Yerevan về "những hậu quả cực kỳ tiêu cực" đối với quan hệ song phương.
Nếu trở thành thành viên ICC, Armenia có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đến nước này. ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt ông chủ Điện Kremlin với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.
Giới chức Nga bác bỏ mọi cáo buộc của ICC, đồng thời cảnh báo mọi âm mưu bắt Tổng thống Putin đồng nghĩa tuyên chiến với Moskva. Tổng thống Putin cũng ít khả năng tới thăm các nước mà Nga cho là "không thân thiện" và không phải mọi quốc gia đều tuân thủ phán quyết của ICC.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.

Vị trí Hành lang Lachin nối giữa Armenia và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Đồ họa: Guardian
Cuộc chiến 6 tuần vào mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian. Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình tại Nagorno-Karabakh, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Ngày 3/9, Thủ tướng Pashinyan cáo buộc Nga đã không đảm bảo an ninh cho Armenia trước cái mà ông mô tả là hành vi gây hấn từ Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh, đồng thời cho rằng chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh của Armenia là một "sai lầm chiến lược".
Như Tâm (Theo TASS, Anadolu Agency)