Tiêm kích Su-57 biểu diễn tại triển lãm hàng không Moscow 2017
"Mẫu máy bay này đã có tên gọi chính thức, giống một đứa trẻ sau khi sinh. Từ này chúng tôi sẽ gọi nó là Su-57", tư lệnh không quân vũ trụ Nga Viktor Bondarev tuyên bố hôm 11/8. Đây là thành quả của chương trình Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật (PAK-FA), Sputnik đưa tin.
Dự án PAK-FA do tập đoàn Sukhoi phát triển từ năm 2002, thiết kế hoàn chỉnh của máy bay được Bộ Quốc phòng Nga chấp thuận vào năm 2009. Chiếc đầu tiên mang mã hiệu T-50-1 cất cánh ngày 29/1/2010.
Không quân Nga vẫn đang tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, kiểm tra tính năng kỹ chiến thuật của Su-57, cũng như phát hiện và khắc phục các vấn đề với dòng tiêm kích này. Quá trình bàn giao lô máy bay hoàn chỉnh đầu tiên sẽ bắt đầu ngay trong năm 2018.
Chiếc T-50 được phủ vật liệu đặc biệt giúp hấp thụ và tán xạ sóng radar, cũng như hình dáng tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương. T-50 được trang bị các hệ thống điều khiển tối tân, có khả năng tương đương một phi công thực thụ. Loại tiêm kích này có thể mang nhiều loại vũ khí hiện đại, phù hợp cho nhiệm vụ đối không, đối đất và chống hạm.
Tiêm kích tàng hình này có đơn giá ước tính lên tới hơn 100 triệu USD/chiếc. Dù có uy lực và tiềm năng lớn, chi phí quá lớn có thể khiến không quân Nga chỉ mua Su-57 với số lượng hạn chế. Đây là điều từng xảy ra với dự án F-22 của Mỹ. Quân đội Mỹ dự định mua tới 750 máy bay tàng hình F-22, nhưng chỉ có 187 tiêm kích được sản xuất và đưa vào biên chế với đơn giá 150 triệu USD/chiếc.
Số lượng máy bay tàng hình quá ít ỏi có thể khiến không quân Nga khó giành được ưu thế rõ rệt trong không chiến. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến chi phí sản xuất mỗi chiếc tiêm kích tăng vọt. Nga có thể sẽ phải tìm kiếm khách hàng nước ngoài để có chi phí duy trì dây chuyền sản xuất hàng loạt Su-57.
Tử Quỳnh