Cơ quan phát triển hàng không Ấn Độ năm 2008 bắt đầu dự án nghiên cứu chế tạo tiêm kích đa năng để thay thế phi đội Jaguar, Mirage và MiG-23 già cỗi. Với tên gọi Tiêm kích hạng trung tiên tiến (AMCA), không quân Ấn Độ kỳ vọng đây sẽ là mẫu máy bay tàng hình nội địa có uy lực không thua kém những chiến đấu cơ tối tân của Mỹ và Nga, theo National Interest.
Trong giai đoạn 2010-2015, Ấn Độ đã đầu tư 5 tỷ USD vào dự án tiêm kích tàng hình PAK-FA của Nga, với hy vọng sẽ được chuyển giao công nghệ để phát triển phiên bản nội địa mang tên FGFA. Điều này khiến chương trình AMCA bị đình trệ đáng kể. Tuy nhiên, sự chậm trễ của Nga trong dự án PAK-FA khiến Ấn Độ tỏ ra thất vọng, tương lai FGFA cũng không thực sự rõ ràng.
Điều đó khiến New Delhi chuyển sự chú ý trở lại dự án AMCA, với sự tham gia của hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia. Quân đội Ấn Độ đề ra yêu cầu thiết kế cơ bản của AMCA gồm hai động cơ, hai cánh đuôi nghiêng và hình dáng bên ngoài tương tự mẫu F-22 của Mỹ. Mô hình tiêm kích AMCA đang trải qua thử nghiệm khí động học và diện tích phản xạ radar.
Nhà sản xuất Hindustan Aeronautics Limited (HAL) dự kiến trang bị động cơ đẩy vector ba chiều, vốn xuất hiện trên tiêm kích Su-35S và PAK-FA Nga, cho AMCA, giúp máy bay thực hiện các động tác siêu cơ động, kể cả ở tốc độ thấp. Động cơ này cũng giúp AMCA có khả năng siêu hành trình, bay vượt âm mà không cần bật chế độ tăng lực tiêu tốn nhiên liệu, cùng tốc độ tối đa tới 3.100 km/h.
Thân máy bay sẽ được chế tạo từ vật liệu sợi carbon và hợp kim titan, bảo đảm độ bền cao và khối lượng nhỏ. AMCA dự kiến có tầm bay khoảng 1.600 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Phi cơ này có khoang vũ khí trong thân, cho phép lắp tối đa 4 tên lửa hoặc bom khi cần yếu tố tàng hình. Nó có thể được trang bị thêm 8 giá treo vũ khí dưới thân và cánh cho nhiệm vụ thông thường. Kho vũ khí của AMCA sẽ gồm các loại bom, tên lửa nội địa, cũng như nhập khẩu từ Nga và Israel.
HAL muốn trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cho dòng tiêm kích này, giúp tăng khả năng phát hiện, bám bắt nhiều mục tiêu cùng lúc. Hỗ trợ cho radar là nhiều cảm biến quang - hồng ngoại và đo xa laser, bảo đảm khả năng quan sát toàn diện xung quanh máy bay. AMCA có thể được trang bị đường truyền dữ liệu tốc độ cao, cho phép kết nối và chia sẻ thông tin chiến trường với các máy bay bạn, cùng hệ thống gây nhiễu tối tân của Nga.
Thách thức
Bước phát triển tiếp theo của dự án AMCA ẩn chứa rất nhiều thách thức, cụ thể là việc sản xuất những bộ phận cốt lõi để đáp ứng yêu cầu của không quân Ấn Độ.
Đầu tiên, New Delhi phải phát triển được vật liệu hấp thụ sóng radar, cũng như xây dựng năng lực cơ khí chính xác để chế tạo bộ khung cho AMCA. Bất kỳ con ốc hay tấm kim loại nào bị lệch cũng làm tăng diện tích phản xạ radar của máy bay, buộc nhà sản xuất phải sở hữu khả năng gia công với độ chính xác cao. Ấn Độ hy vọng sẽ sở hữu vật liệu hấp thụ sóng radar qua hợp đồng mua tiêm kích Rafale của Pháp, nhưng hai nước chưa đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ này.
Không quân Ấn Độ đòi hỏi trang bị radar AESA nội địa cho dự án AMCA. Hiện nước này vẫn phải dùng các bộ AESA mua từ Israel cho tiêm kích Tejas, song song với phát triển radar Gallium-Nitride từ năm 2012. Điều này có thể giúp New Delhi sở hữu radar AESA trong tương lai, nhưng không có gì bảo đảm nó sẽ có tính năng tương tự sản phẩm nước ngoài.
Vấn đề lớn nhất với dự án AMCA là chế tạo động cơ turbine phản lực đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu của không quân Ấn Độ. Bên cạnh đó, máy bay cũng cần có cửa hút gió hình chữ S để che giấu các lá cánh quạt, vốn có khả năng phản xạ radar rất mạnh. HAL cũng phải thiết kế được cửa xả đặc biệt để giảm tín hiệu nhiệt, hạn chế bị cảm biến hồng ngoại phát hiện.
Trên lý thuyết, AMCA sẽ được lắp hai động cơ nội địa Kaveri K9 hoặc K10. Tuy nhiên, việc phát triển động cơ từ con số không là điều rất khó khăn. Trung Quốc vẫn chật vật phát triển mẫu động cơ đủ tin cậy cho phi đội J-11, J-16 và J-20, bất chấp việc sở hữu nguồn lực lớn hơn Ấn Độ. Chỉ khi động cơ Kaveri hoàn thiện vào năm 2019, quá trình chế tạo khung thân AMCA mới có thể bắt đầu.
Một giải pháp cho vấn đề động cơ là tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. New Delhi đã nhận được đề xuất từ General Electric (GE), Rolls Royce và SNECMA, trong đó động cơ GE F414 dùng trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet là ứng viên sáng giá nhất. Hồi tháng 2/2017, GE đồng ý chuyển giao 50% công nghệ của F414 cho Ấn Độ cùng một lô động cơ dùng cho tiêm kích Tejas. Hệ thống đẩy vector của Nga cũng có thể được trang bị cho động cơ này.
Một số nhà phân tích cho rằng AMCA khó mang lại kết quả thực tế cho không quân Ấn Độ. HAL chỉ cho ra đời hai mẫu tiêm kích trong 50 năm qua mà không thu được nhiều thành công.
Dòng tiêm kích bom HF-24 Marut được biên chế vào cuối thập niên 1960, từng gây thất vọng vì không thể duy trì tốc độ siêu thanh như thiết kế, trong khi giá cao hơn những máy bay có tính năng vượt trội của nước ngoài. Bất chấp việc có thành tích tốt trong cuộc chiến với Pakistan năm 1971, các phi cơ Marut vẫn bị loại biên vào năm 1990, khi hầu hết khung thân có số giờ bay rất ít.
Tiếp theo là dự án tiêm kích hạng nhẹ Tejas, mất tới 33 năm phát triển mà không có thông số nào ấn tượng, khiến hải quân Ấn Độ hủy đơn hàng ngay sau quá trình thử nghiệm. Dù không quân Ấn Độ dự kiến mua hàng trăm chiếc Tejas, chương trình này vẫn bị coi là một thất bại đáng xấu hổ của HAL.
AMCA là dự án đầy hứa hẹn với không quân Ấn Độ, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Giám đốc Cơ quan phát triển hàng không Ấn Độ C. D. Balaji cho rằng bản mẫu đầu tiên của AMCA sẽ không thể bay thử trước năm 2025.
Tử Quỳnh