Hãng tin Nga RIA Novosti hôm 30/7 công bố video cuộc tấn công nhằm vào vị trí tập trung binh sĩ Ukraine ở chân cầu chiến lược Antonovsky bên bờ đông sông Dnieper ở tỉnh Kherson.
"Các đơn vị đặc nhiệm lục quân và hải quân đánh bộ, cùng lực lượng dự bị của cánh quân Dnepr đã tiến hành nhiệm vụ chiến đấu nhằm tiêu diệt lực lượng đối phương ở khu vực cầu Antonovsky", quan chức quốc phòng Nga giấu tên cho hay.
Video được quay bằng camera ảnh nhiệt trên máy bay không người lái (UAV) Nga, cho thấy các đám cháy và cột khói bùng lên ở khu vực gần chân cầu. Trong hình ảnh thứ hai được quay vào ban ngày, quầng lửa lớn xuất hiện tại một khu nhà sát bờ sông, nhưng chưa rõ có phải mục tiêu bị tập kích trong video trước hay không.
Tên lửa Nga tập kích lính Ukraine ở bờ đông sông Dnieper trong video công bố hôm 30/7. Video: RIA Novosti
Truyền thông Nga không tiết lộ loại vũ khí được sử dụng, nhưng các tài khoản ủng hộ chiến dịch của Moskva cho biết máy bay nước này đã phóng tên lửa dẫn đường Kh-38M.
"Trinh sát phát hiện hai xuồng và 10 lính Ukraine vượt sông trong đêm. Họ ẩn nấp trong một ngôi nhà và tin rằng mình chưa bị phát hiện. Các binh sĩ Nga không tiến hành hoạt động nào trong khu vực để tránh đánh động đối phương. Đòn không kích diễn ra lúc sáng sớm", tài khoản Zlatti71 viết trên Twitter.
Quyền Thống đốc Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo trước đó mô tả nỗ lực của Ukraine nhằm thiết lập đầu cầu bên bờ đông sông Dnieper là "vô nghĩa". "Bộ chỉ huy Ukraine đang chịu áp lực từ các nhà tài trợ phương Tây, buộc họ ném ngày càng nhiều binh sĩ vào chỗ chết", ông nói.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Kh-38M là vũ khí không đối đất chiến thuật được Nga đưa vào biên chế từ năm 2012. Tên lửa ứng dụng nhiều phương thức dẫn đường khác nhau tùy theo phiên bản, gồm radar chủ động, định vị vệ tinh, laser bán chủ động và ảnh nhiệt. Kh-38M có tầm bắn tối đa 40 km, mang được đầu đạn nổ mảnh, xuyên giáp hoặc đạn chùm với khối lượng tối đa 250 kg.
Cầu Antonovsky bắc qua sông Dnieper có 30 nhịp với tổng chiều dài 1.366 m, rộng 25 m, được đưa vào hoạt động năm 1985. Trước khi Liên Xô xây dựng cầu Antonovsky, ôtô có thể qua sông Dnieper bằng tuyến đường đi qua đập thủy điện Kakhovka hoặc bằng phà.
Cầu Antonovsky liên tục bị quân đội Ukraine sử dụng pháo phản lực HIMARS tập kích gây hư hỏng hồi giữa năm ngoái. Cây cầu bị gãy thành nhiều đoạn và không được phục hồi sau khi lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson hồi tháng 11/2022.
![Vị trí cầu Antonovsky và thành phố Kherson. Đồ họa: RYV](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/07/31/antonovsky-1-5586-1688025729-1-3719-5189-1690774456.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SNBrBqqqO-9hH_-ulNR71w)
Vị trí cầu Antonovsky và thành phố Kherson. Đồ họa: RYV
Bely, tham mưu trưởng trung đoàn đổ bộ đường không Nga triển khai ở khu vực, cuối tháng 6 nói rằng các đơn vị Nga từng phải rút khỏi đài quan sát và cứ điểm tiền phương nằm trên cù lao giữa sông sau khi đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy. Điều này tạo điều kiện cho Ukraine triển khai lực lượng vượt sông nhằm tiếp cận bờ đông do Nga kiểm soát.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine chưa tổ chức được các đợt vượt sông quy mô lớn với khí tài hạng nặng, mà chỉ triển khai từng toán quân nhỏ để bổ sung lực lượng và tiếp tế hậu cần, cũng như sơ tán thương binh về tuyến sau.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Reuters)