Tài khoản Intel Slava Z trên Telegram chuyên đăng tư liệu về lực lượng Nga tham chiến tại Ukraine hôm nay chia sẻ video từ máy bay không người lái (UAV), cho thấy khoảnh khắc một tổ hợp phòng không tầm ngắn Gepard của quân đội Ukraine bị tập kích.
Đây là lần đầu xuất hiện video tổ hợp Gepard bị tập kích kể từ khi được Đức chuyển giao cho Ukraine.
Trong video, xe chiến đấu Gepard bị phát hiện ở vị trí trống trải, không ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu khi hệ thống radar và pháo được thu gọn. UAV tự sát Lancet của Nga sau đó lao xuống phần nóc tháp pháo của xe và phát nổ. Chưa rõ mức độ thiệt hại của tổ hợp Gepard, nhưng vụ nổ có thể khiến nó mất khả năng chiến đấu.
UAV Lancet của Nga tập kích tổ hợp Gepard Ukraine hôm 27/4. Video: Telegram/IntelSlavaZ
Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/4 thông báo đã tập kích, phá hủy 4 bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300, một tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất, hai xe cơ giới và hai lựu pháo D-30 của Ukraine ở tỉnh Kherson.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về các thông tin trên.
Pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được biên chế từ những năm 1970. Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Kiev nhận định Moskva đang áp dụng chiến thuật mới nhằm tìm diệt phòng không đối phương. Theo đó, không quân Nga tăng số lượt không kích và điều hai chiến đấu cơ nhằm thu hút lưới phòng không của đối phương, trong khi chiếc thứ ba tấn công trận địa.
Nga cũng tăng sử dụng UAV nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và cũng áp dụng chiến thuật tìm diệt bằng cách sử dụng UAV Geran-2 làm mồi bẫy. Sau khi phòng không Ukraine khai hỏa bắn rơi Geran-2, loạt máy bay Lancet sẽ xuất hiện ngay sau đó để đánh bồi.
Một số tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây đánh giá phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không. Kho dự trữ đạn tên lửa S-300 và Buk-M1 của Ukraine nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần, tổ hợp NASAMS do Mỹ cung cấp có thể lâm vào tình trạng tương tự.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 27/4 thừa nhận nước này đang cạn dần tên lửa phòng không thời Liên Xô, hối thúc phương Tây chuyển các tổ hợp thay thế.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá cạn tên lửa phòng không là kịch bản thảm họa đối với Ukraine, khiến lưới phòng thủ xuất hiện nhiều lỗ hổng. Điều đó cho phép máy bay Nga tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa vũ khí tầm ngắn, thay vì sử dụng tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.

Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Reuters)