"Việc tiêm chủng đại trà sẽ có chút chậm trễ, lý do là phần chính của lượng vaccine được sản xuất ra phải trải qua bước nghiên cứu hậu đăng ký. Sau đó, phần còn lại của lô vaccine mới được bán phục vụ mục đích dân sự. Chậm trễ có thể từ hai, ba tuần đến một tháng", Alexander Ginzburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya, cơ sở nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 của Nga, cho hay.
Trước đó, Ginzburg cũng cho biết vaccine Covid-19, có tên gọi Sputnik V, sẽ phải trải qua các bước nghiên cứu hậu đăng ký, diễn ra trong khoảng 7 đến 10 ngày. Hàng chục nghìn người dự kiến tham gia vào nghiên cứu này.
Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu hậu đăng ký thông thường có thể kéo dài tới 6 tháng.
Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba với sự tham gia của hàng nghìn người. Vaccine được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.
Giới chức Nga nói họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới. Quy trình sản xuất dự kiến cũng được tiến hành ở nước ngoài và các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba sẽ sớm triển khai ở UAE, Arab Saudi và Philippines.
Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định những hoài nghi về vaccine này là "vô căn cứ".
Vũ Hoàng (Theo Sputnik)