"Chúng ta phải chờ chính phủ Cuba đồng ý cho tăng cường hiện diện quân sự tại đây. Xét đến cùng, đây là đề nghị mang tính chất chính trị nhiều hơn quân sự", Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov trả lời phỏng vấn Interfax ngày 30/10.
Shamanov cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về biện pháp đáp trả với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung (INF) và Nga vẫn đang đánh giá tình hình để đưa ra đề xuất mở lại căn cứ quân sự ở Cuba.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/10 tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước INF được ký từ năm 1987 với lý do Nga vi phạm hiệp ước khi phát triển tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất 9M729, nhưng Nga phủ nhận cáo buộc.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel khi nhậm chức nói rằng Cuba không có kế hoạch cho phép nước ngoài triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Shamanov cho rằng hoạt động cấm vận của Mỹ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Cuba, thúc đẩy họ chấp nhận cho Nga tái hiện diện quân sự tại đây.
Vào thập niên 1960, Liên Xô từng bí mật xây dựng các căn cứ và triển khai bệ phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung ở Cuba, châm ngòi cho cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba từng đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự tại Cuba, trong đó có căn cứ thu thập thông tin tình báo ở Lourdes, cho tới năm 2001.
Shamanov cho rằng Nga và Mỹ cần ngồi vào bàn đàm phán nhằm đạt đồng thuận và hóa giải căng thẳng liên quan đến INF. "Nếu không ngừng lại lúc này thì chúng ta có thể tạo ra các tiền đề giống những gì dẫn đến Khủng hoảng Tên lửa tại Cuba", ông nói.
Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc Viktor Murakhovsky cho rằng quân đội Nga có thể khôi phục lại căn cứ tình báo Lourdes nhằm thu các thông tin tình báo từ Mỹ. "Tuy nhiên chúng tôi sẽ không triển khai tên lửa tại Cuba như trước", Murakhovsky nói.
Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov từng phục vụ trong hải quân Nga cho biết khó có khả năng Nga tái triển khai tên lửa hạt nhân tại Cuba. "Vào những năm 1960, chúng tôi buộc phải quyết định triển khai tên lửa tại Cuba vì chúng tôi không có đủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, còn hiện tại chúng tôi đã có đủ", ông cho biết.
Nguyễn Tiến